Khang Kiều không muốn nhìn thấy công viên mạo hiểm ấy lần nữa nên cô trở về
đại sảnh màu vàng, tìm một chỗ ngồi xuống. Quản gia muốn tới đó bắt buộc phải đi ngang qua đây, tới lúc đó gọi ông ta lại là được.
Cả đại sảnh im phăng phắc, những món đồ cổ được trưng bày trong đại sảnh
trông cực kỳ uy nghiêm, khiến Khang Kiều không dám thở mạnh, tiếng động
đột ngột vang lên làm cô nhảy dựng khỏi ghế.
Đó là
tiếng chuông điện thoại. Điện thoại được đặt ngay bên tay trái cô, tiếng cực kỳ vang, kêu liên tục. Cô lại ngồi xuống, bất động đợi cho nó im
hẳn, hoặc ai đó nghe thấy tới nhận.
Lát sau, cuối cùng tiếng chuông cũng ngừng, Khang Kiều thở phào nhẹ nhõm, nhưng cô chưa thở hết hơi, nó đã inh ỏi trở lại.
Sau khi chuông kêu tới lần thứ bảy vẫn không có ai nghe, ngẫm nghĩ một lát, Khang Kiều nhận điện thoại.
“Alô?” Sau khi dè dặt hỏi, thấy đầu kia sóng điện thoại không có phản ứng gì, cô hỏi thêm tiếng nữa.
Đối phương cuối cùng cũng có phản ứng, nhưng là dùng tiếng Anh, hỏi cô: “Cô là ai?”.
Khang Kiều không linh hoạt với tiếng Anh, cũng chỉ có thể nghe được vài câu
đơn giản. Khi Khang Kiều đang cố gắng nghĩ xem mình nên trả lời thế nào
mới chính xác thì vang lên một chất giọng nghiêm nghị: “Liên Ngao, chẳng phải đã bảo con phải nói tiếng Trung sao?”.
Liên
Ngao? Khang Kiều sững người. Hoàn hồn lại thì đúng là người nói chuyện
với cô giọng có hơi non nớt, không giống người lớn chút nào.
Đầu kia chuyển thành tiếng Trung: “Cô là ai?”.
“Tôi là Khang Kiều.” Cô trả lời như điện giật.
“Khang Kiều? Khang Kiều là ai?”
Khang Kiều không lạ khi Hoắc Liên Ngao hỏi những câu như vậy. Trong căn nhà
này cô gần như không tồn tại. Nghê Hải Đường luôn tỏ ra giấu giếm thân
phận của cô, còn Hoắc Chính Khải thì nhiều lần đứng ngay trước mặt Nghê
Hải Đường mà sửa chữa: “Khang Kiều, là ngài Hoắc chứ không phải chú
Hoắc”.
Khang Kiều cũng muốn gọi ông ta là ngài Hoắc
chứ, nhưng không thể. Như vậy Nghê Hải Đường không vui chút nào. Cô đã
khiến bà rất khó chịu rồi, thế là cô vẫn đáp: “Vâng, chú Hoắc”.
Nhưng lần sau gặp lại, Khang Kiều khi nhìn thấy ánh mắt ra hiệu của Nghê Hải
Đường vẫn phải bấm bụng chào “chú Hoắc”. Người đàn ông nhíu mày. Nghê
Hải Đường thì đứng bên khó xử nhắc nhở cô: “Khang Kiều, con đúng là ngu
như heo vậy, chẳng phải đã dặn con gọi là ngài Hoắc sao?”.
Sau khi nghe cơn quát nạt của mẹ, cô gái trông rất mỏng manh lại càng tỏ ra bối rối. Tình huống ấy duy trì tới một ngày nọ, Hoắc Chính Khải cũng
đành bất lực: “Thôi cứ gọi là chú Hoắc đi”.
Khang
Kiều cũng phải vài tháng mới có cơ hội gọi tiếng “chú Hoắc” một lần. Vì
Hoắc Chính Khải thường xuyên không ở nhà, lại phải hưng phấn mới tới tìm Nghê Hải Đường.
Khang Kiều cầm ống nghe, nhất thời
không biết nên trả lời thế nào. Hoắc Liên Ngao hỏi lại lần nữa, cô đâm
liều: “Tôi là chị… chị của Tiểu Phàn”.
Lần này chắc
biết rồi chứ? Là chị gái của con riêng bố cậu. Trả lời xong, Khang Kiều
không còn căng thẳng như trước nữa, cô cầm điện thoại chờ đợi.
Cái tên Hoắc Tiểu Phàn liệu có khiến Hoắc Liên Ngao thẳng thừng cúp máy
không? Có phải lại tức giận không muốn về nhà nghỉ lễ nữa không? Như vậy càng tốt.
Lát sau, Khang Kiều đợi được một câu: “Có thể phiền cô bảo quản gia Diêu nhận điện thoại không? Cảm ơn cô”.
Lại sững người. Khang Kiều mãi mới chắc chắn rằng Hoắc Liên Ngao vừa nói
“làm phiền” và “cảm ơn với mình, hơn nữa còn cực kỳ lịch sự, giống như
cô là một vị khách quý trong ngôi nhà này vậy. Dòng chữ “Tạm biệt Khang
Kiều” mà anh viết trên bức tranh treo tường lại một lần nữa hiện lên
trong đầu cô.
Một thiện cảm nhỏ bé cứ thế lan tràn.
“Cậu chủ Liên Ngao” qua lời kể của đám người làm không giống như trong
tưởng tượng của cô. Đó không phải là kiểu người hay cầm dây chun bắn vào đầu những ai anh không ưa, cũng không phải kiểu người khi bạn đi ngang
qua trước mặt sẽ ngáng chân để bạn ngã, sau đó cười bể bụng như một
hoàng tử nhỏ.
“Vâng vâng, tôi gọi ngay đây.” Cầm ống nghe, Khang Kiều lắp bắp.
Cô để ống nghe sang một bên rồi co giò chạy. Lúc này Khang Kiều mặc kệ
mình có gây ra tiếng động không, chỉ một mực muốn tìm quản gia Diêu.
Đứng bên điện thoại, Khang Kiều vẫn còn thở dốc. Cô đã tìm được ông ta trong khoảng thời gian ngắn. Lúc này, quản gia Diêu đang nói chuyện với Hoắc
Liên Ngao.
Vì cụ Hoắc đang nghỉ dưỡng ở Singapore,
Hoắc Chính Khải lại hay đi công tác nên việc lớn việc nhỏ trong nhà họ
Hoắc do vị quản gia đã phục vụ hơn bốn mươi năm này một tay quản lý, gần như có thể nói ông ta là người có tiếng nói nhất trong nhà chỉ sau Hoắc Chính Khải.
Cũng có thể nói, ông ta là người đã chứng kiến hai bố con họ khôn lớn trưởng thành.
Thời gian nói chuyện không dài, từ những câu cung kính ban đầu, cuối cùng
giọng quản gia Diêu trở nên nghẹn ngào, có thể tưởng tượng được người ở
đầu kia đã nói trúng chỗ mềm yếu trong lòng ông ta.
Ông ta nấc lên: “Vâng, sẽ giữ gìn sức khỏe”, “Sẽ nhìn Liên Ngao trưởng thành, hậu sinh khả úy”, “Vâng, chúc mừng năm mới”.
Cúp máy rồi, bàn tay già nua bắt đầu quệt nước mắt. Khang Kiều quay mặt đi, vờ như không nhìn thấy. Sau khoảng vài phút, ông ta trở lại bình
thường, hỏi Khang Kiều: “Sao cháu lại xuất hiện ở đây?”.
“Cháu ở trong đó một mình hơi sợ.” Khang Kiều nói một câu đã chuẩn bị từ trước.
Một đứa trẻ mười bốn tuổi ở nơi rộng lớn như thế sợ hãi là chuyện hết sức
bình thường, huống hồ so với người cùng tuổi, cô lại bé nhỏ, gầy gò hơn, mười bốn tuổi mà trông chỉ như mười hai tuổi.
Quản gia Diêu đặt tay lên đầu cô: “Đúng là nhát chết”.
Câu nói ấy khá dịu dàng.
Kể từ ngày hôm đó, thái độ của ông ta với Khang Kiều cũng tốt hơn một
chút, không còn lúc nào cũng nhắc nhở cô nhớ rõ thân phận của mình như
trước, thi thoảng còn cho Khang Kiều vào trong biệt thự chính.
Ông ta thậm chí còn đưa Khang Kiều tới trước quản thư trong thư viện nhà họ Hoắc, thế là về sau, chiều cuối tuần nào, Khang Kiều cũng được ở trong
thư viện mấy tiếng liền.
Tháng tư năm 2000, Khang
Kiều đón sinh nhật lần thứ mười lăm của mình. Năm Khang Kiều mười lăm
tuổi, cũng giống như những đứa trẻ trong thành phố, cô có bánh gato, có
nến, có bài chúc mừng sinh nhật và có quà.
Tiệc sinh
nhật được tổ chức ở nhà một bạn học của Khang Kiều, Nghê Hải Đường bỏ
tiền ra. Hôm đó, cô dẫn cả Hoắc Tiểu Phàn theo. Cậu nhóc chưa tròn ba
tuổi còn chuẩn bị cả quà cho cô. Đứa bé không hiểu đám bạn hô hào cái
gì, chỉ biết in dấu môi dày lên trán Khang Kiều, để lại rất nhiều nước
bọt, cuối cùng non nớt nói một câu: “Chúc chị sinh nhật vui vẻ”.
Tháng năm, Khang Kiều học xong tiểu học, thành tích không tốt lắm. Nghê Hải
Đường hỏi cô có muốn ra nước ngoài học không. Cô nhìn Hoắc Tiểu Phàn
đang chớp mắt nhìn mình, rồi quay sang một Nghê Hải Đường có vẻ không
mấy quan tâm chuyện đi hay ở của cô, nhỏ giọng nói: “Con ở đây với Tiểu
Phàn thôi”.
Thật ra, câu “và mẹ”, Khang Kiều giữ trong lòng.
“Ừm, vậy cũng tốt.” Nghê Hải Đường hờ hững nói.
Vài ngày sau, vào một buổi tối, Khang Kiều thấy Nghê Hải Đường ăn vận xinh đẹp đi ra ngoài.
Sáng hôm sau, Khang Kiều mở cửa phòng bà, thấy Nghê Hải Đường nói là không
khỏe, không muốn ăn, đang mang khuôn mặt thâm tím. Khang Kiều mười bốn
tuổi có lẽ sẽ tin chuyện bà thi thoảng lại đập mặt vào cửa, nhưng Khang
Kiều lên tuổi mười lăm thì không.
Nếu có người hỏi
Khang Kiều rằng: “Con có cảm thấy Nghê Hải Đường là người phụ nữ tốt
không?”, cô nghĩ cô sẽ trả lời là: “Nghê Hải Đường không phải loại phụ
nữ tốt, nhưng bà là một người mẹ tốt”.
“Có đau không ạ?” Cô nhẹ nhàng xoa lên vết bầm trên trán bà, thì thầm: “Lần sau đi đường mẹ cẩn thận chút nhé”.
Lúc chập tối, Khang Kiều nhận được điện thoại của hiệu trưởng một trường nữ sinh nổi tiếng ở Brunei. Hiệu trưởng nói trường đã để dành cho cô một
suất.
“Dạ vâng, cảm ơn.” Khang Kiều cúp máy.
Sau đó, Khang Kiều chủ động tới tìm Nghê Hải Đường, nói mình muốn học bổ túc.
Mùa hạ vừa tới, khi các bạn học đang mải mê bận rộn chơi bời, tụ tập, nghe
nhạc, xem truyện tranh thì Khang Kiều dồn hết tâm sức vào học bổ túc. Cô học bổ túc tiếng Mã Lai, tiếng Anh, học piano, học nhảy múa, học những
môn nghệ thuật để nâng cao thần thái.
Tháng sáu năm 2000, điện thoại nhà họ Hoắc lại kêu, quản gia Diêu nghe xong là bắt tay vào sắp xếp.
Ga giường, chăn gối của cậu chủ Liên Ngao đều được thay mới, phải kiểm tra cẩn thận tinh thần cá của cậu chủ, cửa sổ phải lau sạch sẽ, ba ngày khử trùng một lần, sân tennis phải bắt đầu cắt dọn cỏ vì cậu chủ thích đánh tennis, bể bơi cũng phải vệ sinh sạch sẽ để sáng sớm cậu chủ tắm rửa,
gọi điện thoại cho bác sỹ Tommy, bảo ông ta tới kiểm tra tình hình sức
khỏe con ngựa mà cậu chủ thích, đề phòng ngựa mang theo mềm bệnh…
Lời nói của quản gia Diêu nhanh chóng lan khắp khu nhà, như truyền đi một thông tin: Hoắc Liên Ngao sắp trở về.
Những lời này cũng được đám người làm xưa nay không ưa họ mang tới cho Nghê
Hải Đường. Sáng Chủ nhật này, thợ làm nail đang sửa móng cho bà, Khang
Kiều không đi học thì ở nhà chơi với Hoắc Tiểu Phàn.
Nghe A Chân nói xong, Nghê Hải Đường không có phản ứng gì, chỉ coi như những lời ấy là không khí. Sau khi sửa móng xong xuôi, bà bảo A Chân kéo mình dậy.
A Chân vừa chạm vào Nghê Hải Đường, bà đã nhanh chóng giãy ra rồi tát bốp vào mặt cô ấy, cái tát đó rất đau.
“Cô không có mắt à? Đồ ngu, cô giẫm vào chân tôi đấy.” Nghê Hải Đường lạnh lùng nói với A Chân.
Sau khi A Chân và thợ làm móng đi khỏi, biểu cảm của Nghê Hải Đường không
còn sự giận dữ ban nãy. Bà đứng đó, đờ đẫn nhìn Hoắc Tiểu Phàn đang say
mê nghiên cứu mái tóc dài đến ngực của Khang Kiều. Ánh mắt đó không chút thiện ý, hơn nữa còn mang theo chút hà khắc: Vì sao con không nỗ lực lấy lòng bố con, vì sao bố con không thích con?
Khang Kiều lẳng lặng chắn tầm nhìn của bà.
Vài phút sau, chiếc giày cao gót nện lên thảm cỏ, từng bước, từng bước rời
đi. Khi đi ngang qua họ, Khang Kiều nghe thấy tiếng Nghê Hải Đường thở
dài.
Trong vườn chỉ còn mình cô và Hoắc Tiểu Phàn.
Đứa bé đang chìm trong thế giới của mình bỗng ngẩng đầu lên, hỏi một câu: “Cậu chủ Liên Ngao là ai ạ?”.
Từ xuất hiện nhiều nhất trong câu nói ban nãy của A Chân là “cậu chủ Liên
Ngao”. Lúc này, đến cả một đứa bé chưa hiểu gì cũng tò mò.
Cậu chủ Liên Ngao là ai nhỉ?
Là chủ nhân mới của căn nhà này ư? Là người thừa kế chính thức theo pháp
luật của nhà họ Hoắc? Là nhân vật khiến Nghê Hải Đường ghen tỵ tới bất
chấp hình tượng? Là anh trai của em, Hoắc Tiểu Phàn? Hay là…
Hay là người đã viết dòng chữ “Tạm biệt Khang Kiều”.
Quản gia Diêu nói với Khang Kiều rằng từ năm ba tuổi Hoắc Liên Ngao đã học
viết thư pháp, tám tuổi Hoắc Chính Khải đã dẫn anh tới tham gia tiệc
sinh nhật của Sudan. Bài thơ “Tạm biệt Khang Kiều” ấy được Hoắc Liên
Ngao viết vào dịp đó, viết xong thì được giữ lại ở hoàng cung, vài tháng sau nó trở thành quà sinh nhật cho anh, được đặt vào trong khung do
người lãnh đạo cao nhất Brunei tự tay dán.
Cứ như
vậy, thứ Hai cuối cùng của tháng sáu đến trong sự hồi hộp, bất an. Hôm
ấy, Nghê Hải Đường không cho Khang Kiều đi học bổ túc.
Vì hôm ấy Hoắc Liên Ngao sẽ trở về.
Có lẽ mang tâm trạng “chết sớm siêu sinh sớm”, Hoắc Chính Khải lại để Nghê Hải Đường dẫn theo Hoắc Tiểu Phàn và Khang Kiều cùng ra cửa chính đợi
họ.
“Họ” chính là ông ta và Hoắc Liên Ngao.
Bình luận