Dark?

Chương 137: Tiễn Đưa Ngàn Dặm Cũng Phân Ly Hạ

A+ A-

Tế Độ thấy con huyết mã của chàng đã chở Lâm Tố Đình và Tần Thiên Nhân đi khỏi Huyết Sơn lâu rồi mà nữ thần y vẫn không hạ dao.

Nàng đứng hướng lưng về chàng.

Tế Độ không dám tiến đến phía sau nàng, cũng không dám dụng đến võ công đánh rơi con dao trong tay nàng.

Chàng biết khinh công của mình rất êm và chưởng pháp cũng rất nhanh, nhưng chàng đứng cách nàng khá xa và mũi dao kề sát cổ nàng không một khe hở, chàng không dám đánh cược xem tay của ai nhanh hơn được.

Phải làm thế nào tiếp cận nàng bây giờ?  
Hay là chàng nhắc với nàng chuyện cũ?  Năm đó, trên con đường vùng biên ải chàng như một chấm nhỏ trong tuyết trời trắng xóa, chàng đã ngã xuống, nàng mang chàng về căn nhà trên Thiên Sơn.

Nàng như chú chim, yên tĩnh đậu nhẹ bên giường chàng, dường như nàng ngồi bên là để chờ mắt chàng mở ra rồi nhìn sang, bởi mỗi khi chàng nhìn nàng, nàng đều lặng lẽ nhìn lại chàng.

Cái nhìn lướt từ đôi mắt đẹp như mặt nước hồ phẳng lặng, không gợn thoáng ưu tư nào, kỳ lạ làm sao làm lòng chàng yên ả.

Có lần chàng tưởng hai người là đôi vợ chồng cưới nhau đã lâu, đã chung sống với nhau được mười năm rồi.

Hoặc nói hằng năm chàng đều về căn nhà trên Thiên Sơn, chàng mở cửa vào nhà hy vọng được gặp nàng, bứt rứt chờ đợi, hết đi ra lại vào, cố lắng tai nghe ngóng nhưng trong nhà và ngoài sân vẫn cứ im ỉm.

Trước khi rời khỏi, chàng đều sờ tay lên cánh cửa, bề mặt gỗ thô nhám, nhủ thầm: “Hãy cứ ở yên đấy, sự khao khát của ta.

”  Rồi quay về kinh thành trở lại với công việc bề bộn của mình.

Có lúc công việc bận rộn ngồi trước đống sớ tâu mãi làm đầu óc chàng quay cuồng, nhưng ngắm bức tranh của nàng do Trương Dũng nhặt được ở trong rừng Sơn Tây một cái là lòng chàng bình yên lại.

Nàng không phải hoa khôi lộng lẫy, rực rỡ gây phản ứng rạo rực, kích thích giác quan mà là một thiếu nữ bẩm sinh thiên phú từ vóc dáng, cử chỉ, giọng nói đến nụ cười dễ gây ấn tượng nhẹ nhàng, êm đềm, tin cẩn đi vào lòng người.

Ở kinh thành có hàng loạt những cô gái ve vãn chàng như loài công khoe ra cái đuôi rực rỡ màu sắc cuốn hút nhưng chàng đã không còn như xưa nữa.

Chàng không còn cảm thấy vui vẻ khi lũ người ấy xu nịnh, không còn hứng thú với họ, mà chỉ thấy có quá nhiều mặt nạ, quá nhiều thị phi, sự giả tạo có mặt ở khắp nơi mà chẳng có điều gì chân thật.

Chàng quá mệt mỏi với hàng loạt khuôn mặt trắng trẻo hồng tươi, những toan tính vây lấy chàng, cơ hồ màn sương dày đặc mà đến mặt trời giữa khi chính Ngọ chẳng thể nào xua tan đi được.

Không được, nói những lời như vậy không ổn.

Lúc nãy nàng đã nhìn chàng với ánh mắt xa lạ, dửng dưng, như không hề nhớ hay muốn nhớ chuyện cũ.

Phải nói thế nào nhỉ?  Để nàng bận tâm nghĩ cách đáp trả để chàng có thể tiếp cận nàng giành lấy con dao?  Tế Độ tiếp tục suy nghĩ.

Trong lúc bức bách, ánh mắt chàng tình cờ nhìn sang Khẩu Tâm.

Có rồi, cuối cùng, Tế Độ cũng nghĩ ra điều để nói với nữ thần y khiến nàng phải phân tâm tìm cách đáp lời chàng.

– Tại sao học sinh Hắc Viện không chịu vào quốc tử giám? – Tế Độ nói – Vào đó rồi các mức tổn lệ phí đều do triều đình tài trợ cho họ, khi học xong tiền đồ rực rỡ, hà cớ lại tình nguyện đi Đồng Sơn chịu đói chịu rét mà không chịu đi Bắc Kinh?
Trong lòng nữ thần y bấy giờ không nghĩ được chuyện gì khác ngoài Tần Thiên Nhân.

Nàng vừa ngưỡng mộ Lâm Tố Đình vừa chua xót cho mình, nàng và Tần Thiên Nhân chỉ vừa bái đường còn chưa động phòng, mà bây giờ hai người vĩnh viễn mất nhau rồi.

Lệ trào lên trong mắt nữ thần y, sắp rơi ra, bỗng nàng nghe nhắc đến các cống sinh, làm nàng nghĩ đến Lữ Nghị Trung và Lữ gia một nhà trăm mấy mạng, cơn phẫn nộ từ đáy lòng nàng nổi lên.

Nữ thần y không nhìn xuống núi nữa, ngẩng đầu nhìn trời cho nước mắt không chảy xuống, nói:
– Tại sao họ không chịu vào quốc tử giám ư, chẳng lẽ tướng quân ngài thật tình không biết?
Tế Độ nói:

– Không lẽ chỉ vì Chu và Kỳ khác nhau nên họ không chịu theo phò hoàng đế?  Chỉ vì Chu và Kỳ mà họ không chịu vì bá tánh trợ giúp thoàng thượng trở thành một vị hoàng đế tốt?  Nếu thật vậy bản tướng thấy họ chỉ là những người cố chấp, thiển cận, không có tầm nhìn rộng.

Nữ thần y quay người lại nhìn Tế Độ, mắt nàng mở rất to.

Tế Độ tiếp:
– Các học sinh trong danh sách tiến kinh đều là những người tài giỏi, tiền đồ của họ chính là ở quan trường.

Bản tướng hiểu các người sợ phá vỡ giới hạn giữa Chu và Kỳ, nhưng nếu các người cứ nghiêm giữ giới hạn này, đối với thế đạo nhân sinh có ích lợi gì?  Từ khi người Mãn chúng tôi nhập quan, số người không nhiều, rất cần những thành phần người Hán có học giúp sức, khiến cho đất nước này ngày càng thịnh trị.

Nếu như những người Hán có tài cứ mai một, nàng nghĩ mà xem, sự đau khổ của bá tánh một phần cũng do các người gây ra.

Tế Độ nói đến đây ngừng lại, thấy môi nữ thần y mở ra định đáp trả lời chàng, nói thêm:
– Học sinh trong Hắc Viện có biết bao nhiêu người, có thể giúp được biết bao nhiêu việc.

Căn bản của trị học dùng để làm gì?  Chính là để cứu lê dân bá tánh.

Mà muốn cứu lê dân bá tánh thì chính là ở quan trường, không phải ở trường học.

Hắc Viện của nàng chỉ yêu cầu các học sinh học, không cho họ làm việc gì dính dáng tới quan trường.

Nhưng nếu không có người tài đi làm quan cho triều đình thì những kẻ làm quan chỉ là những bọn quan chiếu.

Bang hội các người đi giết bọn đó, hôm nay giết được một quan chiếu, ngày mai triều đình lại bổ nhậm một tên khác, hèn gì sự đau khổ của lê dân bá tánh mới vô bờ bến.

Tế Độ nói xong tiến lên một bước, tiếp tục nói:
– Từ khi Hắc Viện khai giảng đến nay đã hơn ba mươi năm, học sinh đi ra từ Hắc Viện có đến hơn ba chục ngàn người, nhưng chỉ vì sự phân biệt triều đại mà không ai chịu đi làm quan, ngay cả cái quyền lực nho nhỏ ở Hàng Châu cũng chẳng có ai nắm được, thì còn nói gì đến tiêu trừ thác lưu, quan phục Hán nghiệp, còn nói gì đến hoàng thiên hậu thổ, lấy lại sơn hà?
Nữ thần y nói:
– Từ khi người Mãn nhập quan đến nay cũng đã hơn ba mươi năm, nói một cách khách quan, hai triều Hoàng Thái Cực và Thuận Trị có thể gọi là thịnh thế.

Hai người này đã trừng trị tham quan, Nam tuần trị sông, giảm miễn thuế má, thống trị quyền địa, ở biên cương thi hành Cải Thể Quy Lưu.

Trong binh pháp trị quốc của người Hán chúng tôi gọi đó là “đức chánh.

”  Quốc lực của Thanh triều cũng có thể nói là ngày càng hùng cường, lê dân bá tánh có thể miễn cưỡng nói là được an cư lạc nghiệp.

Nhưng tướng quân ngài có biết không?  Chính sách đàn áp của nhà Thanh cũng đã đem lại tệ hại to lớn cho nhân dân các tộc.

Các người sợ bá tánh làm phản, nhập quan liền thi hành bạo chánh, cấm kết Minh Xả, chấp hành Văn Tự Ngục, đả kích sĩ khí của văn sĩ, lệ hành thế phát, trong toàn quốc thực hành hải cấm.

Không riêng gì Hắc Viện mà các trường học khác có bao nhiêu nhân sĩ trí thức đều bị triều đình bắt ép đi vào quốc tử giám, họ phản ứng, liền bị triều đình giết chết.

Tế Độ bước thêm một bước nữa, im lặng.

Nữ thần y tiếp:
– Ở Hồi Cương tình hình còn tệ hơn thế nữa.

Triều đình của ngài đã dùng chính sách chia rẽ Hồi tộc, lợi dụng tôn giáo phân hóa người dân ở Hồi Cương, để cho nội bộ thất tộc xảy ra mâu thuẫn khiến họ tàn sát lẫn nhau, như vậy triều đình của ngài có thể đường đường chính chính công khai đem binh đến trấn áp, dẹp loạn.

Tiện đó cũng có thể chiếm lấy đất đai, tài sản, của cải dân Hồi, bắt đàn bà con gái đi làm kỹ nữ, nam nhân ép thành khổ sai, giết người lớn tuổi và trẻ em, coi mạng người như rơm rác.

Chỗ làm cho người ta khó chịu nhất đó chính là khiêu khích các dân tộc đối chọi lẫn nhau, dân Hồi, Mông, Hán, đánh nhau, thù sát lẫn nhau, vì có như thế triều đình của ngài không cần tốn một binh lính nào cũng có thể đạt tới mục đích.

Cho nên dân nữ xin thưa với ngài, cái gọi là giới hạn giữa Chu và Kỳ, giữa người Mãn và người Hán, chỉ là một trong số các lý do học sinh Hắc Viện không chịu vào quốc tử giám.

Tế Độ đứng lại, nhủ bụng chàng không thể tiếp tục cất bước lộ liễu như vậy.

Nữ thần y tiếp:
– Định Viễn đại tướng quân, ngài có biết sách học ở Hắc Viện khác với quốc tử giám như thế nào không?  Ở Hắc Viện chúng tôi học đạo lý “trị binh,” quốc tử giám của ngài dạy đạo lý “trung quân.

”  Người xưa có câu đạo bất đồng bất tương vi nên các học sinh Hắc Viện không chịu đi.

Tế Độ nghe nữ thần y kể một lô một lốc các tội trạng của triều đình nhà Thanh, chưa biết đáp trả ra sao, giờ nghe nàng bảo đạo bất đồng bất tương vi, hai mắt chàng sáng lên, nói:
– Ồ, nhưng người Hán các người cũng có câu trị binh lập quốc, quốc tức hữu quân, như vậy không lẽ đạo lý trung quân không đúng hay sao?
Nữ thần y lắc đầu:
– Trước là trị quốc, sau đó trung quân, có như vậy mới là hiền thần.

Còn nếu trung quân trước trị quốc thì đó chỉ là nịnh thần mà thôi.

Vì quốc tử giám của ngài đào tạo những nịnh thần bất tài nên dân chúng gia nhập Thiên Địa hội.

Quân hữu đạo thần tử vô hận, còn quân vô đạo, thần tử đương nhiên phải gióng trống gióng cồng mà thôi.

Tế Độ vừa bước đi vừa nói:
– Hoàng thượng tiền triều tuổi còn rất nhỏ, mà đã thông thuộc Đế Phàm, bản tướng nghĩ sau này ngài ấy sẽ trở thành một vị vua hữu đạo.

– Ha ha! – Nữ thần y cười lớn.

Tế Độ đứng sững, không phải chàng lại sợ mình cất bước quá lộ liễu nên dừng chân lại, mà đây là lần đầu chàng trông thấy một cô gái đứng trước mặt chàng cười ngạo mạng như thế này, hơn nữa, một cô gái không hề biết một chiêu thức võ công nào.

Chàng cứ tưởng nàng giống một viên pha lê, ngây thơ ít trải đời, nhưng những lời vừa rồi của nàng, chàng cảm thấy ở nàng tiềm ẩn sự hiểu biết, điểm này càng làm nàng thêm quyến rũ, hấp dẫn.

Tế Độ hỏi:
– Tại sao nàng cười?
Trương Dũng, Nhạc Thăng Long, Triệu Phật Tiêu, Khẩu Tâm, Ngụy Tượng Xu, Chu Xương Tô và chúng quân há hốc miệng trước giọng nói thản nhiên của kỳ chủ.

Tiếng cười khi quân vừa rồi của nữ thần y, ít nhất cũng lãnh bản án ngũ mã phanh thây.

Thế mà chủ soái họ lại dùng giọng thản nhiên, hỏi một câu.

Thật không ngờ vị thống lĩnh mà họ thường nghĩ có thể hô mưa gọi gió, có thể mạnh mẽ quyền uy với bất kỳ ai cũng có lúc dễ dãi thế này.

Nữ thần y đáp:
– Người Mãn toàn là những anh hùng trên lưng ngựa, làm gì có khí khái của hoàng đế tọa triều, nói gì đến trở thành một vị vua hữu đạo!
Nữ thần y nói xong, cảm giác bao phẫn nộ đã được trút ra khỏi lồng ngực.

Trương Dũng, Nhạc Thăng Long, Triệu Phật Tiêu, Khẩu Tâm, Ngụy Tượng Xu, Chu Xương Tô và chúng quân lại được thêm một phen há hốc miệng nữa.

Tế Độ nghe lời vô lễ vừa rồi của nữ thần y, không chỉ không giận, còn mỉm cười.

Tế Độ cũng cảm thấy lạ với chính bản thân chàng, xưa nay, chàng chưa từng đối với ai mềm mỏng như vầy, nhưng hôm nay đối với nàng là một ngoại lệ.

Chàng từng tiếp xúc với không ít mỹ nhân, tất cả những người chàng từng chung đụng chưa bao giờ để lại chút tình cảm nào trong lòng chàng.

Chàng thấy tim mình rung động mãnh liệt, hơn cả lần đầu tiên gặp nàng, sống chung với nàng trong căn nhà trên Thiên Sơn, có lẽ, đây là lần đầu tiên chàng nghe một người con gái dám nói những lời phạm thượng vừa rồi, sự to gan của nàng, càng khiến nàng đặc biệt.

Chàng cũng không biết chàng yêu thích nàng của ngày xưa hay của hiện tại hơn?  Ngày xưa, nàng ngồi bên suối như một đóa hoa hàm tiếu hứa hẹn đầy hương sắc, tinh khiết, mảnh mai, thanh tao, nguyên vẹn.

Mái tóc nàng mềm mại bay theo mỗi làn gió nhẹ, nàng ngồi bó gối giữ rừng hoa đào rộ nở ai nhìn thấy cũng sẽ ưa thích vẻ đẹp thanh nhã ấy.

Nhưng bây giờ nàng thay đổi rồi, nàng không còn ngây ngô, bây giờ nàng cứng rắn hơn.

Tế Độ mỉm cười nhìn nữ thần y một lúc, chàng thu nụ cười hỏi:
– Vậy theo nàng, một hoàng đế tọa triều phải là người như thế nào?
Nữ thần y không cần suy nghĩ, đáp ngay:
– Là người có học.

Tế Độ gật gù:
– Té ra người có học còn ghê gớm hơn vị anh hùng nữa đấy.

Nữ thần y nói:
– Đương nhiên, bởi nếu anh hùng làm hoàng đế bá tánh sẽ chịu khổ.

“Không ngờ một cô gái nho nhỏ lại có tài nghị luận về chính trị như vậy,” Tế Độ nhủ bụng, mà chàng, lại rất thích tham gia tranh luận, thích hơn cả nghe những lời hoa mỹ, tâng bốc.

Ở trong phủ đệ của chàng không ít lần, nữ nhân từng thỏ thẻ bên tai chàng những lời ân ái đường mật nhưng chưa bao giờ chàng thấy lòng mình rung động.

Thế mà chiều nay, chỉ mấy câu nói chua chát, trái tim trong lồng ngực chàng đập rộn lên.

Tế Độ muốn biết nữ thần y có thể nghị luận sâu xa tới đâu, hỏi:
– Vậy để ta hỏi nàng, tự cổ chí kim có người có học nào xứng đáng làm hoàng đế đây?
Nữ thần y đáp:
– Xuân Thu có Khổng Tử!
– Một người.

– Chiến Quốc có Mạnh Tử!
– Hai người.

– Đời Tống có Chu Tử!
Tế Độ đã tiến lại gần nữ thần y thêm ba bước nữa, thủng thỉnh giơ ba ngón tay lên nói:
– Hơn hai ngàn năm, Trung Nguyên chỉ có được ba người này, nàng nghĩ sao?
Nữ thần y nhìn ba ngón tay của Tế Độ, im lặng.

Tế Độ hạ tay xuống, ngẩn người ra mà ngắm nữ thần y.

Chàng thấy trước mặt chàng là một khuôn mặt chứa đầy nét ngây thơ của một cô gái mới lớn bỗng có thêm sắc thái trầm tư, trong vẻ thanh thoát hồn nhiên lại pha thêm sự già dặn chín chắn.

Tế Độ để cho nữ thần y suy nghĩ câu trả lời, sau một hồi không nghe nàng trả lời mà chỉ đưa mắt nhìn xuống đất, chàng nói tiếp:.

ngôn tình sủng
– Từ xưa đến nay, những người nắm giữ đất nước hầu hết đều nói rằng lấy nhân nghĩa và hiếu đạo để trị vì thiên hạ nhưng có mấy người thực sự nhân nghĩa và hiếu đạo?  Nếu như miệng đầy lễ nghĩa liêm sỉ mà trong lòng toàn nam trộm nữ sướng như kiểu vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương thì cái gọi là đức trị trong cuốn Binh Pháp Trị Quốc của nàng nói đó chỉ là lời nói dối mà thôi.

Nữ thần y tiếp tục dán mắt vào mặt đất, giữ im lặng.

Tế Độ nói xong lại chờ, trong lúc chờ đợi lại nhìn ngắm nàng, toàn thân nàng toát lên vẻ thanh thoát dưới ánh sáng mờ dịu của trời chiều.

Một hồi sau Tế Độ không nghe đáp trả, nói tiếp:
– Trái lại, vua tôi từ khi nhập quan một lòng vì dân, mở mang bờ cõi, tận lực làm việc nước, trong tất cả các việc trị nước, trị quan lại, trị kiện cáo, trị thủy thì lời nói luôn đi đôi với việc làm.

Nhân đức và công lao của những tiên hoàng đời trước đối với dân tộc các người to lớn như trời biển, lưu danh muôn đời, rọi sáng ngàn thu đúng như lời người Hán các người ca ngợi: “Đạo thịnh đức chí thiện, dân chi bất năng vong.


Nữ thần y không biết đáp trả thế nào, khẽ mím môi, nàng nín lặng một lúc rồi nhìn Tế Độ và cười.

Đáng phải nhắc là, năm xưa, Tế Độ rất hay nhìn thấy nàng cười, mỗi lần nàng cười, chàng bị chinh phục hoàn toàn, chàng có cảm giác như mình là một đóa hoa bồ công anh bị gió thổi tan ra bay tới khắp nơi nơi.

Bao năm tuổi trẻ, lúc nào chàng cũng huênh hoang không có cô gái nào cầm cương được mình.

Cho tới khi gặp nàng, chàng trở nên trưởng thành, chững chạc, tử tế, không như khi xưa.

Chàng hiểu được giá trị của một tình yêu chân chính và không còn hống hách, phong lưu, đa tình.

Nữ thần y nở nụ cười xong nói:
– Hay cho câu đạo thịnh đức chí thiện, dân chi bất năng vong.

Đúng là người sống có đạo đức có thiện tâm thì dân không bao giờ quên.

Cho nên theo như câu nói của ngài đời này đương kim hoàng đế phải giao cho Gia Cát Lượng tái thế đảm đang mới phải.

Tế Độ thừa biết Gia Cát Tái Lai là Cửu Dương, người chàng muốn tìm, chàng rất cần nhân vật đặc biệt này giúp chàng lấy lại binh quyền từ tay Tam trụ đại thần.

Nhưng Tế Độ vờ không biết, hỏi nữ thần y:
– Vị nào là Gia Cát Lượng tái thế?
Nữ thần y nói:
– Ngài ấy là viện trưởng của Hắc Viện, cũng là thất đương gia của Thiên Địa hội.

Tế Độ nói:
– Ồ, thế không biết người này có bản lĩnh gì mà nàng cho là có thể làm hoàng đế?
Nữ thần y nói:
– Không phải chỉ một mình dân nữ nhận thấy mà tất cả những người trong hội đều nhận thấy thất đương gia có tâm năng.

Thứ nhất, ngài ấy dám nói Hán thần Hán tướng đều thuận theo sự biến đổi của thiên địa.

Sau Đức hậu, chỉ có ngài ấy dám nói huê di chi, phân tại ưu, quân thần chi nghĩa.

Thứ hai, ngài ấy là một người vô cùng can đảm.

Khi triều đình dán chỉ không cho hô hào phản Thanh phục Minh không cho in Hán văn, phát động Văn Tự Ngục, duy chỉ có trường học của ngài không những tiếp tục in sách, mà còn làm cho các học sinh nhất nhất nghe theo, tâm phục khẩu phục, quyết không phò trợ Mãn triều.

Thứ ba, ngài không sợ chết.

Đại học sĩ ba lần bảy lượt nhờ ngài ấy biên tập lại Minh sử, sửa đổi những chi tiết có liên quan tới việc ái thiếp của Ngô Tam Quế là Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành chiếm đoạt.

Ngô Tam Quế nổi giận, vì vậy đã đến hợp tác với quân Mãn Châu dưới quyền chỉ huy của Đa Nhĩ Cổn mở cửa thành cho quân Thanh tràn vào Sơn Hải quan.

Đại học sĩ của triều Thanh muốn ngài ấy sửa đoạn sử đó lại thành Đa Nhĩ Cổn là một người vô cùng tài ba, đã dùng nghệ thuật hùng biện hàng phục Ngô Tam Quế mở cửa Sơn Hải cho quân Mãn tràn quan, nhưng câu trả lời của ngài ấy chỉ có bốn chữ thôi, là: “Chết cũng cự tuyệt!”
Tế Độ gật gù, chàng cũng có nghe vụ đại học sĩ nhờ biên tập Minh sử này.

Năm ngoái, triều đình đã bảo viện trưởng của Hắc Viện tức là Cửu Dương chỉnh sửa và dạy lại một trang trong quyển Minh sử.

Triều đình muốn chỉnh trang sử đó lại thành Đa Nhĩ Cổn là một người tài ba đã không tốn một binh sĩ nào, mà chỉ dùng tài tranh luận khiến Ngô Tam Quế hoàn toàn tâm phục khẩu phục mở cửa Sơn Hải để Đa Nhĩ Cổn dẫn quân Thanh nhập quan.

Tế Độ còn đang miên man nghĩ ngợi về cách phải làm thế nào để thuyết phục Cửu Dương theo chàng về kinh, cùng hợp lực với chàng đối phó Ngao Bái thì tiếng nữ thần y vọng vào tai chàng:
– “Minh quân tam kì đức
Di địch phi thần khí  
Thiên vận hà suy kiệt  
Cửu chân lý kháng thiên”
Khẩu Tâm nghe nữ thần y đọc bốn câu thơ do một cống sinh của Hắc Viện đặt ra, những học sinh khác thường hay đem ra ngâm nga kháo nhau rằng Cửu Dương mới là chân mạng thiên tử, Khẩu Tâm nhổ một bãi nước bọt.

Tế Độ quay nhìn Khẩu Tâm.

Nữ thần y đưa mắt nhìn trời nói:
– Tam ca, tứ ca, ngũ ca, lục ca, muội cũng sẽ như các huynh, không cúi đầu khuất phục bọn người ngoại tộc, muội sẽ theo các người xuống suối vàng!  
Dứt lời vung tay lên, một dao đâm thẳng vào chiếc cổ thon dài trắng ngần.

(còn tiếp).

Tags: truyện Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện online, Chương 137: Tiễn Đưa Ngàn Dặm Cũng Phân Ly Hạ. Truyện Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện đã hoàn thành (full). Truyện mới cập nhật đầy đủ và liên tục. Đọc truyện online miễn phí trên điện thoại di động và máy tính bảng tại www.truyenhay.co

Bình luận

Chương 137