Lữ khách trần gian khách trần gian
Lang thang phiêu bạt khắp đại ngàn
Trên tay Cửu Dương cầm “mộc mỹ nhân,” hình gỗ vừa được chàng tạc xong.
Từ khi quen nữ thần y chàng đã tạc những hình gỗ như thế này tặng nàng ấy không ít hơn hai trăm lần, chàng đã thuộc lòng từng đường nét trên mặt nữ thần y nên chỉ cần nửa canh giờ đã có thể tạc ra một hình gỗ giống hệt nàng.
Nhưng, cảm giác vẫn chẳng thay đổi được bao nhiêu từ khi chàng cầm món vật đó trong tay, nó chỉ mãi là một hình gỗ thôi, không có linh hồn, càng không có trái tim.
Cửu Dương cất con dao vào trong túi hành lí của chàng, tựa lưng vào thành xe.
Nghị Chánh ngồi bên cạnh Cửu Dương trong cỗ xe.
Bên ngoài là Hiểu Lạc và Trần Tôn, tiếng vó ngựa lộp cộp vang lên, xe chạy trên con đường đất đỏ dẫn đến một khu chợ tỉnh Tứ Xuyên.
Thỉnh thoảng, Hiểu Lạc và Trần Tôn thấy vài kỵ mã phi ngựa đi ngược đường bọn họ chạy vụt qua, những đám bụi bốc lên, bay mịt trời.
Trần Tôn và Hiểu Lạc không ngừng cho ngựa chạy đã hơn mấy canh giờ rồi, từ khi rời khỏi nhà trọ Lô Châu.
Cửu Dương tựa lưng vào thành xe không lâu chàng dần dần chìm vào giấc ngủ, bánh xe ngựa cứ lăn.
Trong cơn mơ, Cửu Dương thấy một ngôi nhà ríu rít tiếng chim hót, chung quanh căn nhà là một khu vườn ngọt ngào những hàng cây trĩu quả, một tổ ấm xây bằng tre rất hạnh phúc.
Cửu Dương thấy chàng đang ở trong nhà bế một đứa bé, nhẹ tay đặt nó lên giường, âu yếm nhìn đứa trẻ ngủ rồi chàng quay sang nữ thần y, ánh mắt chàng nhìn nàng chứa chan hạnh phúc, dịu dàng và yêu thương.
Chàng dang tay ra chờ đợi nữ thần y.
Nàng lao ngay vào vòng tay của chàng, thổn thức:
– Thiên Văn, bây giờ muội là của huynh! Huynh muốn bất cứ gì ở muội cũng có thể!
Cửu Dương vuốt ve mái tóc của nữ thần y, cười hỏi nàng:
– Huynh có thể làm bất cứ điều gì à?
Nữ thần y gật đầu, ngước lên nhìn chàng.
Cửu Dương nhìn xuống đôi môi đang chờ đợi của nàng.
Khoảnh khắc hai trái tim đang cùng nhịp đập, ánh mắt nhìn nhau đắm đuối, chàng cảm thấy hơi thở của nữ thần y nóng hổi phả vào mặt thì:
– Sư phụ! sư phụ à!
Cửu Dương mở mắt, khuôn mặt yêu quý của nữ thần y biến mất, thay vào đó là bộ mặt của Hiểu Lạc đang nhìn chàng chằm chằm.
– Tới rồi à? – Cửu Dương hỏi, giọng uể oải.
Hiểu Lạc gật đầu.
Cửu Dương cùng Hiểu Lạc xuống xe ngựa.
Nghị Chánh và Trần Tôn đã xuống xe trước rồi.
Bốn người đứng trước một tửu quán, nằm trong khu chợ nườm nượp khách qua lại, Trần Tôn cột dây cương vào một cây cột trước quán.
Bốn người đi vào quán ăn, tiểu nhị dẫn bốn người đến chiếc bàn nằm trong góc phải của quán.
Cửu Dương ngồi giữa, bên trái là Hiểu Lạc, bên phải là Nghị Chánh và Trần Tôn.
Nghị Chánh ngồi đặt úp bàn tay chàng lên trên mặt bàn.
Tiểu nhị khoảng mười tám tuổi, có hàm răng vẩu, khuôn mặt rất gầy, vận y phục màu xanh da trời, một tay cầm bình trà, tay kia lật mấy cái chum lên vừa rót trà vừa cười nói:
– Các vị muốn dùng chi?
Nghị Chánh đợi cho tiểu nhị rót trà vào chum xong chàng nhấc tay lên, tiểu nhị thấy nơi mà Nghị Chánh vừa mới nhấc tay lên, trên mặt bàn có bảy đồng xu chất chồng lên nhau, biết đấy là dấu hiệu của các đương gia, mỗi một đồng xu tượng trưng cho một đương gia.
– Thiên hạ bạn hữu cầu phục nguyên – Tiểu nhị nhỏ tiếng đọc một vế đối.
Nghị Chánh khẽ đánh mắt về phía Cửu Dương, hạ giọng đọc vế đối còn lại:
– Giang hồ nghĩa hiệp thất Tung Sơn.
Do Cửu Dương ngồi ở chiếc ghế thứ bảy trong Thiên Địa hội nên Nghị Chánh đọc là “thất Tung Sơn,” còn nếu là một đương gia khác thì thay chữ thất bằng chữ đại, nhị, tam, tứ, ngũ, lục trong vế đối tiếp theo.
Tiểu nhị nghe xong biết Cửu Dương là thất đương gia, bèn cẩn thận đánh mắt về phía Cửu Dương, nhẹ nhàng gật đầu chào chàng.
Cửu Dương cũng khẽ gật đầu đáp lễ tiểu nhị.
Tiểu nhị không dám chần chờ, lập tức vào quầy tính tiền báo với một người đàn ông.
Người cầm đầu phân đà Tứ Xuyên cũng là chủ quán ăn năm nay ba mươi hai tuổi, họ Lục, tên Y Thiếc.
Lục Y Thiếc có thân hình rắn rỏi, ngũ nhạc cân đối.
Họ Lục mặc một áo dài kép ngân thử, lụa Khôi Phủ, quần kép nguyệt bạch, chân đi một đôi giày vải đế bằng dạ Hác Xung, tuy là chủ một quán ăn khá nổi tiếng ở Tứ Xuyên mà không chút xa xỉ, trông Lục Y Thiếc vô cùng đường hoàng, sạch sẽ.
Người trong Thiên Địa hội đặt cho Lục Y Thiếc biệt danh Tam Hợp Trảo Thiếc Thủ.
Tam Hợp là thế đánh trong bài quyền Nhị Lang Đả Hổ của phái Thiếu Lâm, cũng chính là tuyệt kỹ trảo thuật của Lục Y Thiếc.
Khi họ Lục xuất trảo ba ngón tay nhanh nhẹn co lại như cái móc sắt, cấu vào trúng chỗ nào trên người địch thủ là tan xương nát thịt ngay nên mới có tên là Thiếc Thủ.
Lục Y Thiếc nghe tiểu nhị vào báo có Cửu Dương đến, cũng không dám trễ nải, vội ra thận trọng chào Cửu Dương rồi hạ giọng bảo các cống sinh hiện đang ở trong một khu rừng trên Đồng Sơn.
Lục Y Thiếc vô cùng tận tâm, từ khi nhận được thư bồ câu đã ngày đêm cho người chờ ngoài trấn Bắc Xuyên, tụ tập các cống sinh, sau đó dẫn họ lên Đồng Sơn, đồng thời cũng đã sai người đi dựng lều và mua các loại dụng cụ để cống sinh giả làm người khai thác đồng.
Sau khi Cửu Dương biết các cống sinh ở khu rừng nào trên Đồng Sơn rồi, chàng định lên tiếng cáo từ thì đồ ăn thức uống được tiểu nhị dọn lên bàn.
Lục Y Thiếc đã chuẩn bị năm cân rượu thượng hạng cho Cửu Dương, ba cân thịt bò dai xào cải làng cho Nghị Chánh, một con gà quay ngũ vị hương cho Hiểu Lạc, một tô lớn thịt cừu sốt cay và hai dĩa bánh bao cho Trần Tôn.
Hiểu Lạc đi xe đã mấy canh giờ, mệt mỏi lắm rồi, chẳng còn hơi sức leo núi nên nó thấy đồ ăn thức uống, rất muốn ngồi lại ăn.
Lục Y Thiếc cũng khăng khăng giữ chân thất đương gia, nên lấy lý do Trần Tôn đã lớn tuổi cần dùng cơm cho đúng giờ giấc, Cửu Dương đành nán lại không đi gặp các cống sinh.
Đồ ăn thịnh soạn hấp dẫn nhưng Cửu Dương không cảm thấy đói nên chàng không ăn, chỉ ngồi rót rượu vào li.
Hiểu Lạc ngồi cạnh Cửu Dương liên tục gắp hết món này đến món kia, vừa ăn vừa liên tục khen ngon.
Nghị Chánh cũng hờ hững gắp thức ăn bỏ vô miệng chàng nhai trệu trạo.
Không phải Nghị Chánh không có khẩu vị, chỉ là chàng đang chú tâm tới những gì đang xảy ra ở góc trái quán ăn.
Vì là đoan Ngọ nên quán ăn có khá đông khách, song phần đông các thực khách lại bắt ghế ngồi quanh một chiếc bàn tròn góc bên trái quán ăn, bên bàn có một ông lão già nua, một chàng trẻ tuổi đứng trước mặt ông ta, trên bàn đặt mấy chồng sách và một cặp trống, chiêng.
Hiểu Lạc nhìn theo ánh mắt Nghị Chánh, cũng nhìn thấy đằng kia vui nhộn, nó xé cái đùi gà vàng hực, vừa cắn một miếng nhai nhồm nhàm vừa nói với Nghị Chánh:
– Sư bá à, coi bộ đằng kia rất náo nhiệt?
Nghị Chánh chưa trả lời Hiểu Lạc, thì một khách nhân đi vào quán ăn, trung niên đến ngồi vào chiếc bàn kế bên Nghị Chánh, nói:
– Quán ăn này vào giờ này lúc nào mà không náo nhiệt!
Nghị Chánh quay nhìn thấy một người khoảng bằng tuổi Lục Y Thiếc, mặc quần đen, cái áo xanh nước biển đậm dài tới đầu gối với tay áo dài có viền đen, một cái thắt lưng trắng với đuôi thả ra bên hông, ngọc bội cùng màu thắt lưng, chân đi giày vải đen, đế trắng.
Gương mặt trung niên rất nhỏ, y sở hữu đôi mắt cũng nhỏ, đôi con ngươi lồi ra, đặc biệt là giọng nói eo éo.
Trung niên hỏi Nghị Chánh:
– Hình như vị huynh đài này mới tới lần đầu?
Nghị Chánh gật đầu, trung niên tiếp:
– Quán rượu này là nơi tốt nhất để nghe những chuyện lạ xảy ra trong giang hồ đó, các người có biết gần đây giang hồ đã xảy ra chuyện gì kỳ lạ lắm không?
Hiểu Lạc ăn uống chậm lại, ghé đầu lắng tai nghe, người khách nói bằng giọng kẻ cả:
– Các người có biết một đao pháp đã vang dội giang hồ hồi hai mươi năm về trước lại đã xuất hiện rồi không?
Trần Tôn nghe nói biết đao pháp đó là Cửu Hành Đao Pháp, ông đã từng nghe qua, bèn quay sang Cửu Dương bảo phải đi nhà sau, Trần Tôn nói xong đứng dậy rời đi.
Cửu Dương cũng cần phải đi nhà sau nên theo Trần Tôn.
– Đao pháp gì vậy vị đại thúc? – Hiểu Lạc nhìn vị khách nói – Thúc mau nói cho cháu nghe với!
Người khách nhìn Hiểu Lạc nói:
– Ngươi không biết đao pháp này cũng phải, lúc Võ Ma tung hoành ngoài quan ngoại thì nhóc tì ngươi còn chưa sinh ra đời, để ta kể sự lợi hại của đao pháp đó cho ngươi nghe.
Hai mươi năm trước, giang hồ không ai không biết một người nam nhân, họ Long, tên Thiên Hổ, người sáng tạo ra đao pháp bách phát bách trúng.
Long Thiên Hổ lấy biệt hiệu Võ Ma, đi lại trong võ lâm, hễ mà người ta nghe hai tiếng Võ Ma đi đến đâu đều bị rúng động còn hơn cả chuyện hoàng đế xuất tuần nữa đó.
Hiểu Lạc nói:
– Vậy ư!
Thật ra nó nói cho có vậy, chứ nó đã nghe người trong Thiên Địa hội kể về Long Thiên Hổ rồi.
Trung niên tiếp:
– Ừ! Luôn cả Võ Thánh, cũng bị đao pháp của Võ Ma làm cho khiếp sợ, ngươi có từng nghe qua Võ Thánh chưa? Võ Thánh có pháp danh Giác Viễn, là trụ trì của chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, ông được xem là đệ nhất võ sĩ đương thời ở Trung Nguyên, người có thể đánh nhau ngang hàng với Long Thiên Hổ.
Nhưng, một hôm, Long Thiên Hổ rời quan ngoại đến tìm Giác Viễn ở Tung Sơn tỉ võ thì vị đại sư đó đã viên tịch.
Nhưng người trong giang hồ nói Giác Viễn rút khỏi trận tỉ võ vì ông sợ nếu bị bại dưới tay Long Thiên Hổ sẽ bôi tro trát trấu lên danh tiếng Thiếu Lâm.
– Rồi Long Thiên Hổ làm sao? – Hiểu Lạc hỏi trung niên.
Trung niên nói:
– Ông ta trở về Nội Mông, kể từ đó không ai thấy ông ta xuất hiện ở Trung Nguyên nữa.
Có người nói ông ta ở đời ẩn dật, mà ngươi có biết ông ta chính là truyền nhân tám đời của Trát Mộc Hợp không?
Hiểu Lạc lắc đầu, nhưng thực ra nó cũng đã biết Võ Ma Long Thiên Hổ là truyền nhân Trát Mộc Hợp, mà Trát Mộc Hợp là một võ thuật gia thiên hạ vô địch dưới thời kỳ hùng hậu của bộ lạc Trát Đạt Lan ở vùng thảo nguyên.
Trát Mộc Hợp cũng từng làm thủ lĩnh của lực lượng phe đảng đối lập với Thành Cát Tư Hãn.
Hai người, Trát Mộc Hợp và Thành Cát Tư Hãn, đều có cùng một tham vọng, muốn thống nhất các bộ lạc Mông Cổ để trở thành bá chủ thế giới thời bấy giờ.
Trát Mộc Hợp là tổ sư sáng lập ra hệ phái Ưng Trảo Phiên Tử môn, “phiên tử” nghĩa là phép lật tay.
Ưng Trảo Công là bài quyền đầu tiên của môn phái, Ưng Trảo Công có mười hai “giá tử,” chú trọng kỹ pháp tấn công thay vì phòng thủ bằng các chiêu thức thủ pháp khác nhau, tục gọi là loại quyền thuộc dòng đánh gần, giáp lá cà.
Sau này Long Thiên Hổ bổ sung thêm mười hai giá tử vào bài quyền này.
– Vào hai tháng trước – Trung niên nói – Có người đã nhìn thấy một nam tử sử Ưng Trảo Công ở Hắc Long Giang, rồi lại thấy người này dùng tuyệt kỹ Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao trong Cửu Hành Đao Pháp.
Người khách nói đến đây Hiểu Lạc thấy đôi mắt ông ta sáng rực rỡ, rõ ràng trong lòng thập phần thán phục truyền nhân của Võ Ma.
– Ta cứ tưởng đâu – Trung niên nói – Sau khi Long Thiên Hổ bặt tích giang hồ, Cửu Hành Đao Pháp chỉ có thể nghe kể trong Binh Khí Phổ, ngờ đâu chúng ta thật may mắn, đao pháp không hề biến mất, chúng ta sắp có cơ hội tận mắt chứng kiến rồi!
Trung niên nói tới đây, đằng chỗ mọi người bu đông cũng kể về truyền nhân của Võ Ma, trung niên không còn nói chuyện với Hiểu Lạc nữa, bưng cái ghế, chạy đến đằng kia ngồi nghe.
Hiểu Lạc quay sang Nghị Chánh, hồ hởi nói:
– Sư bá, hay là chúng ta cũng nghe xong chuyện về truyền nhân của Võ Ma rồi hẳn đi, được chăng? Con cũng muốn nghe kể chuyện về truyền nhân của Võ Ma!
Lúc này Cửu Dương lò dò vén rèm từ nhà sau đi ra.
Nghị Chánh nhìn Cửu Dương ra ý hỏi, Cửu Dương nói:
– Kể chuyện thì ở đâu chẳng vậy, không kể chuyện Tam Quốc thì kể Thủy Hử, có gì đâu lạ.
Chúng ta hãy ăn cho mau rồi còn lên đường.
Cửu Dương đến ngồi xuống ghế của chàng.
Hiểu Lạc lay lay cánh tay Cửu Dương nói:
– Không phải vậy đâu sư phụ! Mấy người đằng kia kể chuyện trong Binh Khí Phổ, họ không giống những người kể chuyện đời xưa khác, họ kể chuyện giang hồ!
– Vậy à – Cửu Dương nói.
Đoạn, Cửu Dương nhìn thấy Trần Tôn hãy còn chưa đi nhà sau xong, gật đầu với Hiểu Lạc.
Thế là Hiểu Lạc ngồi hướng mặt về đám đông đang nghe người thanh niên kể chuyện giang hồ.
Thanh niên kể chuyện giang hồ tuổi khoảng đôi chín, đầu đội cái nón vải thô sơ, màu lam, bộ đồ cũng màu lam, tay phải hắn cầm cái dùi, tay trái cầm cái trống, cổ đeo thêm một cái chiêng tròn nhỏ cỡ bằng cái bát.
Gương mặt tên kể chuyện khá là tiêu sái, vầng trán cao ráo, cặp mắt rất to và sáng, mũi cao, khóe miệng hơi cong lên.
Ông lão ngồi sau tên kể chuyện vận hắc y, mặt mày đầy rỗ hoa, bím tóc trắng như mây thả dài thõng sau lưng, bên hông đeo cặp đao cong.
Ông lão tuổi cũng khoảng bằng Trần Tôn.
Thật sự người thanh niên kể chuyện giang hồ chính là Phi Yến còn ông lão mặt rỗ là Phi Nhi, cả hai tiếp tục cải nam trang.
Khách nhân ngồi nghe Phi Yến kể chuyện không chỉ có đàn ông mà còn có con nít, người già, đàn bà và vài cô thiếu nữ.
Phi Yến đang nói tới đoạn hành tung của Võ Ma rất là bí ẩn, thoắt đó đây vô cùng quỷ dị, nhưng truyền nhân của ông lại là người trong chốn quan trường.
– Truyền nhân của Võ Ma là người Mãn – Phi Yến nhìn mọi người nói – Thuộc dòng dõi vua chúa, là con trai của Tế Nhĩ Cáp Lãng, tên là Tế Độ.
Mọi người gật gù, Phi Yến tiếp:
– Tế Nhĩ Cáp Lãng theo đại hãn Nam chinh Bắc chiến, đã giúp cho đại hãn giành được quyền lãnh đạo các bộ tộc Nữ Chân ở vùng Đông.
Trong một lần Tế Nhĩ Cáp Lãng theo lệnh đại hãn đến Nội Mông thì hữu duyên mà Tế Nhĩ Cáp Lãng gặp Võ Ma, hai người kết làm tri kỉ với nhau.
Tế Nhĩ Cáp Lãng mời Võ Ma về phủ Hòa Thạc thân vương.
Thế là con trai Tế Nhĩ Cáp Lãng được dịp bái Võ Ma làm sư.
Sau đó, Tế Độ theo Võ Ma học võ công.
Hai thầy trò sống kiểu du mục, ngao du trên đại mạc mênh mông thật là phiêu diêu khoái lạc.
Hiểu Lạc nghe Phi Yến kể về Tế Độ, tự nhiên cảnh tượng về cặp thầy trò Võ Ma và Tế Độ rong ruổi trên đồng cỏ Đông Bắc như hiện lên trước mắt Hiểu Lạc.
– Võ Ma đưa Tế Độ, lúc đó chỉ mới bốn tuổi, hai sư đồ rời bỏ cuộc sống ở thành đô, đi đến một nơi hoang vu, xây ngôi nhà bằng gỗ, bùn và rơm.
Mặc dù căn nhà không sang trọng tinh tế như căn phủ của cha Tế Độ nhưng lại mang đến một cảm giác thật là yên tịnh, và bình dị, nhất là Võ Ma là người lớn lên ở vùng thảo nguyên nên rất ưa thích cảm giác yên bình.
Hiểu Lạc thấy các thực khách bị cuốn vào câu chuyện của Võ Ma và đồ đệ ông ta – Tế Độ.
Mà Phi Yến nói cũng rất là trơn tru mạch lạc.
“Tế Độ này,” Hiểu Lạc nhủ bụng, “chính là tên Định Viễn đại tướng quân mà người trong Thiên Địa hội thường e ngại hay sao? Không biết tiểu sử của hắn, thật hư có như thanh niên áo lam nói hay không?”
Phi Yến kể cho mọi người nghe đến năm Tế Độ đủ tuổi gia nhập quân đội, trước khi Tế Độ theo Tế Nhĩ Cáp Lãng xuất chinh Nam hạ, Tế Độ tìm Võ Ma nói mấy câu từ biệt với thầy.
Phi Yến đặt dùi trống lên bàn, đi đến trước mặt Phi Nhi.
Phi Nhi đã quá quen đóng vai Võ Ma mỗi khi Phi Yến kể chuyện về Võ Ma và Tế Độ, cất giọng ôn tồn:
– Đồ nhi à, trong đời lão phu, chẳng tranh giành thế sự với ai, đao pháp Cửu Hành Thần Đao mà ta sáng tạo ra ta định giấu kín không cho ai hay, nhưng bởi vì duyên phận cho ta gặp con nên ta đã đem tất cả những chiêu thức mà ta biết được truyền thụ cho con, trên đời này chỉ có con là truyền nhân duy nhất có thể sử tuyệt kỹ Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao.
Phi Yến quỳ xuống.
Phi Nhi định nói thêm gì đó, thì trung niên mặt nhỏ hỏi:
– Ơ, sao lạ thế, sao ông lại nói Võ Ma không tranh giành thế sự? Thế còn lời đồn về Võ Ma đến tận Tung Sơn khiêu chiến với Võ Thánh ông giải thích thế nào?
Phi Nhi định trả lời, nhưng Phi Yến quay lại nhìn trung niên nói:
– Đúng mà, Lộ Thần tiên sinh đã nói vậy đó, Võ Ma không hề muốn tranh đua thế sự với đời, cái ông nghe được chỉ là lời đồn đại nhảm nhí của bọn giang hồ tiểu tốt.
Rồi Phi Yến quay lại nhìn Phi Nhi.
Phi Nhi nói tiếp câu chuyện dang dở, nàng lấy ra cặp đao cong đeo bên hông.
Phi Yến đưa tay lên.
Phi Nhi đặt cặp đao vào tay em gái nói:
– Tế Độ à, sư phụ đem bộ phi đao này tất cả trao cho con, trong tương lai, con có thể sử dụng Cửu Hành Đao Pháp như ý hay không là phải trông cậy vào tài năng của con.
Phi Yến xá một cái, nói:
– Đa tạ sư phụ, con sẽ bảo quản thật tốt những thanh bảo đao.
Hai người diễn tới đây, khách nhân ngồi trong quán thi nhau vỗ tay.
Phi Yến đứng lên.
Một thanh niên khác có gương mặt choắt, mặc áo xám viền đen liền hỏi:
– Tế Độ có biệt tài hễ một đao vung ra là chẳng bao giờ sai chạy, lời đồn đại đó chẳng biết có ngoa không?
– Trước kia thì cũng có nhiều người hoài nghi câu nói đó như huynh đài vậy đó – Phi Yến đáp một cách tự nhiên.
Người áo màu xám viền đen hỏi vặn:
– Thế còn bây giờ?
– Bây giờ thì số người ấy đã chết cả rồi!
Lời này làm cả tửu lầu lặng thinh một lúc, Hiểu Lạc lại càng muốn đích mắt nhìn thấy tuyệt học võ lâm chí cao vô thượng Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao.
– Thế ta nói các người nghe – Hiểu Lạc nghe Phi Yến nói – Bất kỳ ai chỉ cần bị một mũi ám khí phóng ra từ tay Tế Độ là ngã ngay, sau đó trút hơi thở cuối cùng, đến Bảo Chi Lâm cũng không thể nào cứu sống được.
Nhát đánh đó chính là kết quả của sự tập luyện lâu năm và nhờ vào kinh nghiệm sinh tử của bản thân Tế Độ, nên sự tấn công thần tốc đến mức thành bản năng, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của từng động tác đã học từ Võ Ma.
Các người có biết trong trận đánh ở Hắc Long Giang tướng quân của Triều Tiên là Ba Nhạc Na vốn là một trong số mười cao thủ thuộc hàng nhất lưu của Triều Tiên nhưng vẫn phải chịu chết hầu như không thể phản kháng không? Cái chết của Ba Nhạc Na tướng quân đã đủ chứng minh tài phóng phi đao của Tế Độ!
Mọi người lại vỗ tay khen hay.
Phi Yến háy mắt với Phi Nhi, sau đó Phi Yến nhìn mọi người nói:
– Mà thôi không nói đến mấy chuyện giết chóc chết người này nữa, các người có biết, biệt danh của Tế Độ ở kinh thành là gì hay không?
Người áo màu xám viền đen trả lời:
– Đương nhiên là Định Viễn đại tướng quân rồi!
– Trật lất – Phi Yến nói – Là ta nói biệt danh của hắn, ta không có nói chức vụ trong triều đình của hắn.
– Biệt danh đi lại giang hồ đó à? – Người áo màu xám viền đen gãi cằm.
Phi Yến nói:
– Không phải là người trong võ lâm đặt cho, ta nghe người trong kinh thành nói Ngao Bái đại nhân đã đích thân đặt cho Tế Độ một biệt danh, gọi là: “Truy Phong tướng quân.
”
– Tại sao lại gọi Tế Độ bằng cái biệt danh “Truy Phong tướng quân?”
Người áo màu xám viền đen ngơ ngác.
Phi Yến nói:
– Vậy là các người phải tìm Ngao Bái đại nhân mà hỏi rồi.
– Chắc tại người trong thành thấy Tế Độ xuất thủ nhanh như gió nên mới gọi thành như vậy phải không sư bá? – Hiểu Lạc hỏi Nghị Chánh.
Nghị Chánh so vai, thật sự bốn chữ “Truy Phong tướng quân” này chàng cũng là lần đầu nghe biết.
Phi Yến nói:
– Các người không cần phải đi hỏi Ngao Bái đại nhân, cái đó ta chỉ nói đùa, tháng trước, ta có đến phủ Ngao, đã gặp qua đại nhân, nguyên do mà Ngao đại nhân ông ấy gọi Tế Độ là “Truy Phong tướng quân” ta đã ghi rõ trong Binh Khí Phổ, chính là quyển sách này, chỉ cần năm quan tiền, mọi người sẽ biết câu chuyện li kì đằng sau biệt danh này.
Thế là chồng sách được bán sạch trơn trong nháy mắt.
Nghị Chánh tò mò, cũng sai Hiểu Lạc đi mua một quyển mang lại.
Trong khi Nghị Chánh xem sách, Phi Yến nói với mọi người:
– Các vị từ từ về nhà hẳn xem sách, bây giờ chúng ta nói sang Giang Nam Thất Hiệp, bảy vị sư đồ của Võ Thánh tức Giác Viễn đại sư!
Hiểu Lạc nghe nói sẽ kể đến Cửu Dương, nó tức thì rời mắt khỏi trang sách trên tay Nghị Chánh ngay.
Riêng Nghị Chánh vẫn lật sách ra xem, chàng thấy văn phong trong sách này đúng là văn phong của Lộ Thần tiên sinh.
Nghị Chánh đưa mắt nhìn lên hai người kể chuyện võ lâm, rồi chàng cúi xuống lật tìm trang sách nói về “Truy Phong tướng quân.
”
Nghị Chánh tìm mãi tìm mãi, chỉ thấy trong sách ghi Tế Độ thuộc dòng họ Ái Tân Giác La.
Nội tổ và cha của Tế Độ đều là trung thần lập quốc và kế thừa chức vị rất cao trong triều đình nhà Thanh.
Nội tổ chính là Thư Nhĩ Cáp Tề, nhân vật có quyền lực đứng thứ hai tại Kiến Châu Nữ Chân sau Thanh Thái Tổ Nỗ nhĩ Cáp Xích.
Đương thời, Kiến Châu Nữ Chân chỉ có hơn ba vạn binh mã, song có đến bốn mươi chiến tướng và hơn năm ngàn quân trực thuộc quyền chỉ huy của Thư Nhĩ Cáp Tề.
Ngạch nương của Tế Độ mất khi Tế Độ còn chưa biết nói nên từ nhỏ chỉ lớn lên trong vòng tay của cha.
Trong sách kể những câu chuyện phiêu lưu của Tế Độ và thân phụ Tế Nhĩ Cáp Lãng, từ chuyện Tế Độ tham gia những cuộc chinh phạt các bộ tộc vùng Nội Mông, điển hình như là hai bộ lạc Hải Tây và Dã Chân.
Do cha của Tế Độ phụng chỉ chinh chiến nhiều nơi nên cuộc sống hai cha con thường nay đây mai đó.
Cha của Tế Độ một lòng chung thủy với người vợ quá cố nên suốt đời không lập kế thất, chỉ dành hết thời gian chăm sóc và dọn dẹp tiền đồ cho con trai yêu quí của mình.
Năm Tế Độ lên ba tuổi, Tế Nhĩ Cáp Lãng gặp Võ Ma.
Kể từ ngày đó Tế Độ được Võ Ma nhận làm đồ đệ, đào tạo và truyền thụ cho Cửu Hành Đao Pháp.
Võ Ma hướng dẫn cặn kẽ cho Tế Độ cách bắn cung bách phát bách trúng.
Khi Tế Độ lên bốn, Tế Độ đã dùng khả năng học được từ cung tên chuyển qua tập luyện phi đao và phi tiêu.
Võ Ma rất tự hào về người đồ đệ của ông.
Ông thích đứng từ xa âm thầm quan sát Tế Độ cùng đám trẻ đồng trang lứa chuốt tre dàn quân dẹp trận.
Trong những trò chơi giặc giã đó, Tế Độ mặc nhiên được nắm chủ quyền.
Ở cương vị thủ lĩnh đứa trẻ chỉ có mấy tuổi đã đem nghệ thuật quân sự từ Tam Quốc Diễn Nghĩa ra thực hành một cách hăng say.
Năm Tế Độ chín tuổi, y từ giã những trò chơi với bọn trẻ trên đồng cỏ Hô Luân Bối Nhĩ, quyết tâm dành hết thời gian để đọc binh thư, trong một đêm đã có thể thuộc rõ ràng tỉ mỉ từng chi tiết về sự hưng vong của các triều đại nhà vua.
Khi Tế Độ tham gia quân đội đã rất được lòng binh sĩ.
Năm mười bốn y cùng Tế Nhĩ Cáp Lãng dẫn quân đến Hắc Long Giang.
Hoàng thượng tín nhiệm đã phong Tế Nhĩ Cáp Lãng thành Chủ Soái Hạ Ngũ kỳ.
Dưới sự thống lĩnh của cha, Tế Độ bắt đầu điều khiển binh mã, sử dụng tài tình các chiến thuật và đoạt được hàng loạt chiến dịch quân sự.
Bằng sự quyết đoán khôn khéo, y đã từng bước tăng cường và củng cố vị trí quyền lực độc tôn trong bối cảnh phức tạp của chiến trường.
Thành công vang xa khi chàng thiếu niên mười sáu tuổi dẫn quân vào chinh phục Triều Tiên, ép buộc Nội Mông khuất phục trước khi tiếp tục chiếm quyền kiểm soát miền Đông Bắc vùng Hắc Long Giang.
Vào năm Tế Nhĩ Cáp Lãng qua đời, hoàng đế Thuận Trị không muốn đứa con trai duy nhất của Tế Nhĩ Cáp Lãng xuất binh sa trường nữa vì lo nếu có chuyện xảy ra cả gia đình của Tế Nhĩ Cáp Lãng sẽ tuyệt hậu, vì vậy, đã triệu Tế Độ về kinh thành, phong cho chức võ quan nhất phẩm Định Viễn đại tướng quân.
Nghị Chánh xem tới đây gấp sách lại nheo mắt nhìn hai người kể chuyện võ lâm, hai người này, rõ ràng là đang lòe người ta mà, Nghị Chánh thầm nhủ trong sách không thấy trang nào giải thích cái biệt danh “Truy Phong tướng quân” gì hết!
Lúc này Phi Yến đã kể sang truyền nhân của Võ Thánh, tức bảy người Giang Nam Thất Hiệp.
(còn tiếp).
Bình luận