Nhớ hôm nào giây phút ấy biệt ly
Mình cách biệt giữa một mùa hoa nở
Lữ Nghị Trung và nữ thần y đặt chân trên con đường sỏi đi dọc theo bờ Tây hồ dẫn đến chợ Đông Ba.
Sáng nay, mặt nước Tây hồ lững lờ trôi, cuốn theo đám rong rêu, xa xa ẩn hiện vài cánh buồm nâu, thấp thoáng in bóng tận cuối chân trời, cho ý niệm mơ hồ về cảnh bao la của vũ trụ.
Lữ Nghị Trung đưa mắt nhìn ra xa xăm, cảm thấy con người quá bé nhỏ và yếu đuối trước thiên nhiên, thầm nghĩ tại sao con người không hợp quần để tạo thành sức mạnh chống chọi lại nó để tạo nên cuộc sống no ấm? Tại sao con người cứ mãi bon chen danh lợi, chà đạp chém giết lẫn nhau chẳng hề thương xót? Loài dã thú dẫu ngu si, cục súc, dẫu dữ tợn hung tàn, vẫn còn biết tình đồng loại, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, thố tử hồ bi.
Con người mệnh danh là thông minh, văn hiến, ngẫm cho kỹ còn thua lũ muông cầm.
Chàng khe khẽ lắc đầu.
Không, ta không thể chịu thua cuộc đời.
Đời vẩn đục ta cần phải lắng cho trong, lọc cho sạch còn hơn ngồi bó tay chờ thiên căn nhân quả.
Nhất định ta phải hoàn thành tâm nguyện của tổng đà chủ, xây dựng một thế giới công bằng và nhân ái.
Thiên đường cũng có thể kiến tạo tại nhân gian nếu mọi người đồng tâm hợp lực, không phải chỉ trông mong vào quyền phép của một đấng thiêng liêng bên ngoài trần thế để tách biệt về một nơi chốn xa xôi.
Lữ Nghị Trung nhủ bụng, đoạn chàng quay sang nhìn nữ thần y, bắt gặp nàng đang âm thầm rơi lệ bước đi bên chàng, Nghị Trung nói:
– Muội à, đừng quá lo, trận đánh Quan Sơn Mã Hà bọn họ đã không sao, bây giờ chỉ là vấn đề áp tiêu thôi, sẽ không việc gì đâu, nếu tính không nhầm thì giờ Ngọ ngày mốt họ đã đến Cam Túc rồi.
Nữ thần y gật đầu.
Cổng chợ Đông Ba hiện ra trước mắt hai người, nữ thần y đưa tay gạt lệ, cùng Lữ Nghị Trung đặt chân qua cổng chợ.
Nghị Trung chép miệng, thở dài một tiếng, nói:
– Ước vọng muôn đời của người dân duy nhất chỉ là được no cơm ấm áo, thế mà suốt bao năm nay yêu cầu nhỏ nhoi chính đáng ấy không bao giờ được trời cao đáp ứng.
Nào là thiên tai, địch họa, nào dịch bệnh, mất mùa, không lúc nào dân chúng an cư lạc nghiệp.
Nữ thần y gật đầu, Lữ Nghị Trung tiếp:
– Chẳng những do trời mà còn do con người tạo ra nữa.
Ở địa phương thì quan lại nhũng nhiễu, cường hào áp bức, trong kinh thành thì vua hèn tôi kém, tranh giành quyền lợi, mặc tình thi nhau bóc lột làm khổ người dân.
Nữ thần y lại gật đầu, nàng quét mắt một vòng quanh khu chợ, đêm qua Nghị Trung bảo nàng nơi này đang có rất nhiều người tị nạn bị bệnh dịch.
Quả thật là vậy, nữ thần y thấy một phụ nữ gầy ốm mặt mày hốc hác ngồi ôm người đàn ông thân thể gầy gò xanh xao, ông ta nhắm nghiền mắt không biết đang ngủ hay đã chết rồi.
Bên cạnh hai người là đứa bé trai trạc tuổi Hiểu Lạc, nom cũng giống Hiểu Lạc, hai mắt to tròn, đen láy.
Một tấm vải trắng quàng qua cổ nó dùng để treo cánh tay trái.
Khi nữ thần y và Nghị Trung đến gần, người đàn bà kêu lên:
– Hai vị làm ơn, ban phát chút lòng thương, chồng tôi bệnh rồi.
Nghị Trung đưa cho bà một chục quan tiền.
– Thiền Phúc mau cùng mẹ dập đầu tạ ơn đi con.
Nữ thần y và Nghị Trung ngăn lại không để thằng bé đang bị thương và mẹ nó phải quỳ dập đầu tạ ơn.
Thằng bé nói:
– Đa tạ ca ca, tỉ tỉ.
Nữ thần y nhìn cánh tay bị thương của Thiền Phúc, lại nhìn cha nó, và những người chạy nạn đang nằm la liệt ho khù khụ trong chợ.
Nghị Trung cũng nhìn những người đang ho khùng khục, nhủ bụng: “Hôm nay lại có thêm một số người bị bệnh như cha Thiền Phúc rồi.
”
Chợt Nghị Trung nghe có tiếng chân rần rần từ xa vọng đến.
Một gã bộ đầu dẫn một đám lính hai mươi mấy tên chạy tới, nhiều người dân cũng bu lại xem náo nhiệt.
Một tên lính chỉ vào đám người tị nạn, nói:
– Thưa bộ đầu, ngài xem, triệu chứng của những người này như bệnh dịch.
Hai từ “bệnh dịch” đập vào tai những người dân Hàng Châu, họ lập tức đứng lùi ra dùng tay áo che mũi.
Một người dân hoảng hốt nói:
– Nếu vậy phải đem họ đi thiêu, nếu không cả trấn sẽ bị lây!
Lập tức có nhiều tiếng vang lên:
– Đúng rồi!
– Đem họ đi thiêu!
Một người chỉ tay vào gia đình của Thiền Phúc:
– Mau khiêng tên đó ra đồng cùng tất cả những người bệnh đang nằm la liệt trong chợ mang đi thiêu.
Tên bộ đầu nói với đám lính:
– Chuẩn bị lửa củi!
Người đàn bà ôm lấy chồng khóc nức nở.
Tên bộ đầu nói:
– Chồng bà bị bệnh dịch! Không thể để cả trấn bị lây được!
Đoạn hắn hạ lệnh:
– Bắt hết những người bị bệnh đem đi!
Thế là đám lính vây quanh khúc chợ bắt người.
– Bọn họ định thiêu chết chúng ta, chúng ta chạy thôi!
Những người bệnh dịch còn sức lực phản kháng la lên, bọn lính liền ra tay đánh đấm ngăn cản không cho họ xông ra ngoài.
Những người bệnh không tự sức vùng vẫy được, chỉ biết khóc lóc, van cầu.
Người thân của họ thì la hét, ra sức đánh lại đám lính.
Tất cả cùng tạo nên một mớ âm thanh vô cùng hỗn độn.
– Mọi người dừng tay! Hãy mau dừng tay!
Giữa khung cảnh đang hỗn độn bỗng nghe tiếng nói lớn.
Mọi người quay nhìn phát hiện người vừa nói đó là Lữ Nghị Trung, bên cạnh chàng là nữ thần y nhưng nàng đã hóa trang thành một cô gái với gương mặt đầy những vết sẹo lồi lõm.
Gã bộ đầu giật mình trước diện mạo của nữ thần y, sau một thoáng kinh hãi vì dung nhan xấu xí của nàng gã nhìn Lữ Nghị Trung nói:
– À, ra là Lữ đại phu tử, xin chào.
Hắc Viện là trường học nổi tiếng ở Hàng Châu, những học sinh có danh sách trong Quốc tử giám một phần đã bước ra từ trường này.
Gã bộ đầu chỉ là một tên lính, đương nhiên không thể không có lễ với Lữ Nghị Trung.
Những người dân Hàng Châu cũng cúi chào chàng.
Nghị Trung cúi đầu đáp lễ.
Nữ thần y bước tới một bước nhìn gã bộ đầu nói:
– Xin đừng mang họ đi thiêu.
Gã bộ đầu hỏi:
– Cô nương là ai? Đừng nên xen vào việc của ta coi chừng lại bị lây bệnh.
Nữ thần y nói:
– Tiện nữ có học y thuật, khẩn xin vị lính đại ca này để tiện nữ thử chữa trị cho họ.
Gã bộ đầu chưa đáp lời, thì một người dân Hàng Châu nhìn nữ thần y:
– Cô nương có cách chữa trị được hay sao? Đến cả Ngan Phố thầy thuốc giỏi nhất vùng Hàng Châu này còn không trị được chúng tôi lấy gì mà tin tưởng cô?
Một người dân Hàng Châu khác đưa mắt nhìn những bệnh nhân đang ho khùng khục, nhăn mặt:
– Phải rồi, sinh mạng của những người trong trấn không thể vì mấy lời của cô mà trở thành trò đánh cược!
Những người dân khác cũng lên tiếng:
– Đúng rồi!
– Rất nguy hiểm!
– Không thể để mấy người này sống thêm nữa!
– Tuyệt đối không thể!
Nữ thần y nói:
– Xin các vị an tâm, chỉ cần tiện nữ đưa những người bị bệnh dịch đến ngôi miếu bỏ hoang ngoài trấn dùng nơi đó thành khu cách ly sẽ không sao.
Rồi nàng quay sang gã bộ đầu.
– Vị lính đại ca này – Nữ thần y nói – Huynh có thể cho người đến canh giữ ngôi miếu, cũng đưa ra thông cáo bắt tất cả những người có tiếp xúc với người bị bệnh dịch đến căn miếu cách ly cùng thể, chỉ cần huynh cho tiện nữ thời hạn hai tuần, nếu tiện nữ không chữa khỏi bệnh cho họ, huynh có thể phóng hỏa đốt cả ngôi miếu, tiện nữ sẽ ở đó chết chung với những người bị bệnh dịch, sẽ không lây lan cho thị trấn.
Xin huynh hãy mở lòng Bồ Tát.
.
Bình luận