Nếu lỡ mai này anh xa em
Hồ Tây thương nhớ ướt mi mềm
Sau lần uống rượu ở Ngọc Phong với Tàu Chánh Khê, Lâm Tố Đình có vẻ phấn chấn hơn.
Hằng ngày vào buổi sáng nàng đều đến lều của Khẩu Tâm nghe chàng và mọi người thao lược mưu kế Minh triều phục quốc.
Chiều xuống, nàng cùng Tàu Chánh Khê ra bãi đất trống cách doanh trại chừng nửa dặm giúp một nhóm thành viên vừa mới gia nhập Thiên Địa hội tập luyện võ công.
Đến khi trời tối, nàng đi tìm Tần Thiên Nhân, nhưng mỗi lần đến tìm chàng, chàng đều ngủ rồi.
Nữ thần y muốn hàn huyên với nàng, Lâm Tố Đình liền lấy cớ nàng còn công việc bề bộn ngoài võ đường không có thời gian rảnh.
Lâm Tố Đình thật không muốn nói chuyện riêng lẻ với nữ thần y chút nào.
Chiều nay, Lâm Tố Đình lại giúp nhóm tân thành viên Thiên Địa hội tập dượt một trong tam pháp của Thiếu Lâm.
Lâm Tố Đình đứng đối diện hàng ngũ đội quân mới này, giảng diễn:
– Bộ Pháp có ba bộ, mười hai môn gọi là Tam Tấn.
Ba bộ gồm Thượng Bộ, Trung Bộ và Hạ Bộ.
Thượng Bộ Tấn chia làm ba môn, gồm Lập Tấn, Hạc Tấn và Độc Hành Vũ Tấn.
Các tân thành viên xếp thành năm hàng, chăm chú tập trung lắng nghe Lâm Tố Đình, người nào người nấy im thin thít.
– Nói đến Trung Bộ Tấn – Lâm Tố Đình tiếp – Thường gồm có năm môn, là Trung Bình Tấn, Chảo Mã Tấn, Đinh Tấn, Xà Tự Tấn và Âm Dương Tấn.
Hạ Bộ tấn gồm bốn môn, là Hạ Mã Tấn, Qui Tấn, Tọa Tấn và Ngọa Tấn.
Tàu Chánh Khê chắp tay sau lưng chàng đi qua đi lại quan sát, nhiệm vụ của chàng là theo dõi thế tấn và thế thủ của các tân hội viên, nếu thấy có điều chi sai sót thì liền nhắc nhở để họ khắc phục.
Lâm Tố Đình không ngừng giảng giải, nàng vừa nói vừa thực hành.
Các tân thành viên nhìn cách nàng thủ và tấn, cố nhớ thật rõ mọi đường thế.
– Để tập Xà Tự Tấn – Lâm Tố Đình nói – Điểm đầu tiên là đứng Lập Tấn, xoay ngang, chân phải bước qua khỏi chân trái, như thế này, rồi hai chân tréo nhau.
Còn Âm Dương Tấn thì tấn như Bộ Đinh nhưng mặt không hướng thẳng về mũi bàn chân trước mà nhìn ngang, như thế này.
Lâm Tố Đình ngưng một hồi, chờ các hội viên thực hành cho thật nhuần nhuyễn hai thế tấn đó xong rồi mới nói tiếp:
– Chảo Mã Tấn tức là đứng Lập Tấn.
Bàn chân phải mở ngang bằng này.
Bàn chân trái bước tới trước.
Khoảng cách giữa hai bàn chân rộng bằng vai rồi gập hai đầu gối xuống, cao bằng Trung Bình Tấn.
Chân trước nhón lên.
Mọi người lại nhìn theo thế chân nàng và làm theo nàng.
– Đúng rồi, là như thế, tốt lắm!
Lâm Tố Đình khen một thành viên vận y phục đen, đứng hướng bên phải nàng.
Đúng lúc này Khẩu Tâm, Vạn Văn Thông, Trần Tử Sang, Lạc Thiết Môn, Nhất Đình Phong, Hồ Quảng Đông và người đội trưởng đội năm tên Cao Lí Vệ đi tới.
Cao Lí Vệ bằng tuổi Khẩu Tâm, mặt tròn, đôi lông mày rậm và đuôi lông mày hơi hướng xuống, hai mắt kích cỡ cân đối, mũi lớn, môi khi cười hơi vểnh lên.
Cao Lí Vệ không quá cao nhưng có làn da rắn rỏi như thợ rèn nên nhìn rất khỏe khoắn.
Bảy người đàn ông nhìn Lâm Tố Đình, gật gù hài lòng khi thấy nàng hướng dẫn các thế tấn vô cùng cặn kẽ.
Vạn Văn Thông nhớ lại lúc cô gái áo đỏ xuất hiện ở rừng Bình Lương, sau khi nàng ra tay cứu Tần Thiên Nhân đã cởi khăn che mặt ra, hóa ra Lâm Tố Đình.
Trong lòng Vạn Văn Thông tán thưởng, quay sang mấy người kia cười khà khà:
– Cô bé đó – Vạn Văn Thông chỉ Lâm Tố Đình nói – Thật không hổ là con của Lâm lão đại, vừa gan dạ vừa tỉ mỉ, đơn thương độc mã làm được nhiều việc, thật khiến người ta thán phục!
Mọi người gật đầu nói phải.
Khi này Tôn Hứa Khải và Tần Thiên Nhân cũng đồng thời xuất hiện.
Đây là lần đầu Tần Thiên Nhân rời khỏi căn lều của chàng sau khi Lâm Tố Đình đem sâm Ngọc Linh về.
Tôn Hứa Khải và Tần Thiên Nhân tới gần Khẩu Tâm, hai người vừa ôm quyền nhưng chưa kịp hành lễ bái chào Khẩu Tâm thì Khẩu Tâm nói:
– Ầy! Không cần hành đại lễ.
Tam đệ, sao lại để nhị đệ ra ngoài này? Đệ ấy mới vừa khôi phục sức khỏe ngoài này gió rất lớn.
Tần Thiên Nhân vẫn cùng Tôn Hứa Khải cúi chào Khẩu Tâm và các vị trưởng bối, sau đó thẳng người lên, Tần Thiên Nhân mỉm cười đáp:
– Đa tạ thiếu đà chủ quan hoài, hồi trưa này lúc thiếu đà chủ đến thăm xin thứ lỗi đệ không ngồi dậy thi lễ được.
Bây giờ cảm thấy khá nhiều rồi.
Tôn Hứa Khải nói:
– Đúng rồi đó thiếu đà chủ, mấy ngày nay vết thương của nhị ca đã đỡ, đệ thấy huynh ấy phải nằm suốt ngày sợ phát sinh chán ngán nên mới đưa huynh ấy đi dạo quanh trại lính một chút cho khuây khỏa.
Cao Lí Vệ gia nhập bang hội được năm năm, thế mà trước khi Tần Thiên Nhân tới Hồi Cương thì Cao Lí Vệ chưa từng diện kiến dung mạo Tần Thiên Nhân, bước lên phía trước nói:
– Phen này thuộc hạ được gặp Thần Quyền Nam Hiệp, người thuộc hạ vô cùng ngưỡng mộ, lại được trùng phùng với Tam đương gia không gặp nhiều năm, thật là chuyện đáng mừng.
Ước gì được bái kiến thêm Gia Cát Tái Lai nữa thì đúng là đại khoái trong cuộc đời thuộc hạ.
Tần Thiên Nhân cũng chưa gặp Lí Vệ lần nào, bảo:
– Cao anh hùng, hiếm khi đến tổng đà Hàng Châu, bây giờ gặp huynh ở đây, nhất định phải phiền huynh dạy dỗ tiểu đệ nhiều hơn.
Lí Vệ nghe người xứng đáng làm một nhân vật thủ lĩnh võ lâm nhờ chàng dạy dỗ, trợn mắt nói:
– Bản lãnh nhị đương gia hơn thuộc hạ nhiều xin đừng nói hai từ “dạy dỗ” với thuộc hạ.
Nhưng nghe nói Gia Cát Tái Lai là sư đệ ngài uống rượu rất giỏi, thuộc hạ cũng uống rất giỏi, sau này nhất định phải giới thiệu cho thuộc hạ quen, thuộc hạ thất lễ, sẽ cùng Cửu Dương tiên sinh tỉ đấu một phen xem tửu lượng ai lợi hại hơn?
Khẩu Tâm nghe nhắc Gia Cát Tái Lai, cười nói:
– Ha ha! Chuyện này thì Cao anh hùng nhất định phải chịu hạ phong rồi!
Mọi người cũng cười xòa, gì chứ tài uống rượu thì Cửu Dương là nhất, trong hội không ai sánh bằng.
Mọi người cũng nhớ tới nét mặt luôn luôn lúc nào cũng đầy vẻ ôn hòa của Cửu Dương, sự hiện diện của Cửu Dương bao giờ cũng có cái gì đó làm người ta an lòng.
Truyện Hot
Mọi người cười rồi, nghĩ tới người bạn thân thiết nhất của Cửu Dương là Lữ Nghị Chánh hiện thời đang cùng Cửu Dương ở Đồng Sơn, không biết hai người họ đã nhận hung tin hay chưa?
– Thật không ngờ – Tôn Hứa Khải thu nụ cười, nói – Đêm trước khi áp tải lương thảo là đêm cuối cùng nhìn thấy Lữ tiền bối và Nghị Trung.
Mọi người nghe Tôn Hứa Khải nói ai cũng lắc đầu, thật là chuyện buồn nối tiếp chuyện buồn.
Đầu tiên là trận đánh Bình Lương với Tế Độ khiến cho phần đông các anh em Thiên Địa hội tử trận, rồi Triệu Phật Tiêu chỉ huy quân binh triều đình đến Hắc Viện tìm ra cửa vào địa đạo, dùng số binh khí cất giữ trong địa đạo làm chứng cớ niêm phong Hắc Viện, bắt giữ Lữ Nghị Trung.
Sau đó, Triệu Phật Tiêu cho quân binh bắn pháo, phóng hỏa đốt pháp đường Thanh Tịnh tự, tổng đà Hàng Châu hoàn toàn thất thủ.
Ngày hôm sau, Triệu Phật Tiêu lại dẫn quân truy quét đến Thiếu Lâm tự tìm bắt Lữ Lưu Lương, quân lính đem dầu vào Thiếu Lâm tự rưới đốt làm lửa cháy đến hai ngày hai đêm, những điện Thiên Vương, Đại Hùng, Khẩn Na La, Lục Tổ, Diêm Vương, Long Vương, Tàng Kinh Các, các nhà ăn, nhà kho, thiền đường Đông Tây, phòng Ngự tọa, lầu chuông trống đều thành tro bụi.
Tự viện điêu tàn, tăng chúng ngoài Lữ Lưu Lương bị bắt đi không người nào thoát chết.
Chùa Thiếu Lâm Phúc Kiến vốn được xây vào thời nhà Tùy có lịch sử lâu đời, được xem như một bảo vật phương Nam bị thiêu hủy gây tang thương kinh hoàng.
Hồ Quảng Đông nghĩ tới cảnh người bạn lâu năm qua đời trong ngục, thở một hơi dài thườn thượt.
Lữ Lưu Lương bị bắt đi, ngày hôm sau chết trong ngục, Hồ Quảng Đông nghe nói xác Lữ Lưu Lương mắt mũi tai miệng đều có máu màu đen kịt.
Lạc Thiết Môn nói:
– Ái Tân Giác La Tế Độ là tên bỉ ổi! Ngoài miệng thì kêu chiêu hiền nạp sĩ nhân nghĩa kính trọng Mãn Hán Mông Hồi Tạng nhưng lại dùng cách dùng độc ép người quy thuận triều đình, thật là thối tha còn hơn rơm rác!
Vạn Văn Thông cũng thương cảm cho người bạn hiền, và Lữ gia một nhà trăm mấy mạng, cũng nói:
– Ái Tân Giác La Tế Độ thế nào cũng gặp quả báo!
Nhất Đình Phong rất mến tài hai anh em nhà họ Lữ, giờ mãi mãi không còn gặp được Lữ Nghị Trung nữa, thở dài nói:
– Ái Tân Giác La Tế Độ thật nham hiểm, mở miệng ra là nói cái gì: “Địa bất phân Nam Bắc, nhân bất phân quý tiện.
” Cái gì: “Trị họp Mãn Hán Mông Hồi tán thành thất tộc,” toàn là giả dối!
Trong khi mọi người đang bất bình về Tế Độ, Tần Thiên Nhân nói:
– Vãn bối cứ nghĩ, không hẳn Tế Độ đã hạ độc sát hại Lữ tiền bối.
Khi Tần Thiên Nhân nói câu này trong đầu chàng hiện ra hình ảnh Tế Độ ở rừng Bình Lương, không hiểu vì sao chàng tin người này rất trọng chữ tín, sẽ không làm những chuyện mờ ám như hạ độc giết người như thế.
Mọi người nghe Tần Thiên Nhân nói Tế Độ không phải người độc ác có nhiều quỉ kế không khỏi ngạc nhiên.
Tôn Hứa Khải nói:
– Nhị ca, huynh vừa mới nói gì đệ có nghe nhầm không?
Tần Thiên Nhân lắc đầu:
– Đệ không nghe nhầm.
Huynh tin Tế Độ đã có ý muốn thuyết phục tiền bối quy hàng triều đình, nhưng tiền bối đã chọn chén thuốc độc trước khi binh sĩ triều đình đến chùa Thiếu Lâm rồi.
Tôn Hứa Khải mơ hồ, lại hỏi Tần Thiên Nhân:
– Đệ vẫn chưa hiểu, tại sao huynh bảo Tế Độ muốn thuyết phục tiền bối trong khi triều đình tru di cửu tộc dòng họ Lữ?
Tần Thiên Nhân nói:
– Cái này Trang Tử gọi là cải tạo những kẻ không mang lòng thuần phục bằng phương pháp đối đãi lễ nghĩa.
Theo như con người Tế Độ, nhất định đã muốn giao du với tiền bối, cho dù tiền bối không đồng ý, chỉ cần Tế Độ kiên nhẫn lấy lễ đối đãi, trong một thời gian dài sẽ quy phục được giới sĩ lâm…
Tần Thiên Nhân chưa nói xong, Trần Tử Sang có phần đồng tình, nói:
– Cho nên Lữ tiền bối chọn cái chết để đả kích tinh thần sĩ lâm.
Vạn Văn Thông cũng đồng ý với Tần Thiên Nhân, nói:
– Nói như nhị đương gia, thì việc Lữ gia bị tru di cửu tộc là hoàn toàn có căn cứ rồi.
Vì sau khi Lưu Lương đại ca qua đời, kế hoạch đối đãi lễ nghĩa không thuận lợi, sợ giới tri thức bất mãn triều đình nổi dậy, nên triều đình đã mang cả gia đình huynh ấy và dòng họ một trăm mấy mạng người chém đầu tịch biên răn đe thiên hạ.
Trong lòng Hồ Quảng Đông nhớ đến người bạn già, đau buồn không tả, tiếp tục thở dài nói:
– Thời gian qua thật nhanh, nhớ năm xưa cả hai đứa chúng tôi cùng lớn lên, đi học chung với nhau, ngồi chung một bàn, ăn chung một mâm, chỉ thoáng mắt, hắn đã có vợ con, và chỉ thoáng mắt, đã tạ thế nằm trong lòng đất rồi!
Rồi Hồ Quảng Đông nhẩm đọc bài thơ của Lữ Lưu Lương, rất được giới sĩ lâm ở phương Nam tán thưởng.
Nội dung bài thơ nói về những nghĩa sĩ không quy phục triều Thanh, bắt đầu bằng câu: “Hối lai tảo bất tán Thanh sơn,” kết thúc bằng hai câu: “Nhất sự vô thành không thụ khứ, tiêu nhân tùy vấn đối ấn nan!”
(còn tiếp).
Bình luận