Vâng mấy bữa, mấy bữa mấy bữa mấy bữa, qua mấy cái mấy bữa rồi vẫn chưa thấy mặt mũi Chu Cương đâu.
Ngải Đông Đông chờ hết nổi, nó quyết định đến trại giam thăm gã.
Cuộc sống của nó hiện nay khá là thoải mái, mỗi ngày nó đều được nhà họ Chu cho một khoản tiền tiêu vặt kha khá, nói chung người ta rất hào phóng với nó. Ngải Đông Đông chỉ tiêu tiền để mua ít quà bánh cho người trong nhà còn đâu thì để dành, nó lại tranh thủ ra ngoại thành lấy chỗ tiền tiết kiệm giấu bấy lâu gom góp lại nó cũng thành người rủng rỉnh hầu bao.
Định bụng đi thăm Chu Cương nên nó kể chuyện với Chu Minh để nhờ Chu Minh đưa đi, dè đâu Chu Minh lại từ chối, gã bảo: “Anh cả bảo không cho con đi thăm đâu, con cứ yên tâm ở nhà đợi ảnh về thôi.”
Không nhờ được Chu Minh, Ngải Đông Đông đành tự bắt xe lam đi.
Lái xe là một ông chú độ bốn mươi tuổi, nghe nó bảo đến trại giam ông chú tò mò hỏi: “Cháu đến đấy làm gì?”
“Đi thăm người nhà ạ.”
“Nhà có ai ở tù thế?”
“Bác có biết đường không, có đi không?”
“Đây đây, đi chứ.” lái xe vội đội mũ vào, bảo: “Đến đó hết mười đồng nhé.”
“Được ạ.”
Tuyết cứ tan rồi đóng băng lại làm đường rất trơn nên xe phải đi khá chậm. Ngải Đông Đông mặc áo bông kín mít ngồi trong xe, nó nhìn qua cửa kính thấy ngoài đường có một chỗ đang tụ tập đông người, hình như là một siêu thị mới khai trương đang tổ chức chương trình ca múa, nó thấy họ treo băng-rôn quảng cáo khuyến mãi toàn bộ mặt hàng ngày đầu tiên, lại có cả quà tặng nữa.
Ngải Đông Đông nghĩ đi thăm Chu Cương thì phải có gì chứ không lẽ lại tay không?
“Bác tài ơi, tấp vào đây một tí ạ.”
“Chưa đến nơi đâu, còn xa lắm.”
“Cháu xuống mua ít đồ, bác đợi ngoài này nhé?”
Xe lam dừng lại, nó nhảy xuống chạy vào siêu thị, trong siêu thị lúc này rất đông khách, nó đi lượn xem một vòng mà chưa chọn được món nào. Thế là nó hỏi nhân viên bán hàng đi thăm người thân thì nên mua quà gì.
“Thế thì cháu mua cái này đi.” người bán hàng vỗ bộp bộp vào thùng sữa trên kệ: “Sữa này bán chạy lắm đấy, vừa rẻ vừa tiện, lại còn bổ nữa.”
“Thế sữa Thư Hóa trên kia thì sao, hình như đắt hơn phải không, chắc là tốt hơn ạ?”
“À loại đấy bán chậm lắm, cháu mà định mua sữa thì cô khuyên là cứ mua loại này, đây là huyện mình sản xuất được nên giá mới rẻ chứ chất lượng thì đảm bảo lắm. Chính hãng ngon bổ rẻ đấy, các cô chỉ là nhân viên làm thuê cháu mua gì cô cũng ăn lương như thế thôi, cứ nghe cô đi.”
Cô bán hàng lại nhiệt tình nói thêm: “Hay là cháu mua loại sữa chua Ưu Toan này đi, nhuận tràng, tốt cho sức khỏe lắm.”
Ngải Đông Đông ngắm nghía một tí rồi hỏi: “Có loại nào cao cấp hơn nữa không ạ?”
“Cao cấp hơn á?”
“Loại đắt hơn một ít thôi ấy ạ, chủ yếu là cháu muốn vừa tốt vừa trông sang sang một tí.”
Chắc cô bán hàng nghĩ nó đã ít tiền lại còn muốn ra vẻ nên nghĩ một hồi cô ta chỉ nó sang dãy hàng khác: “Thế thì mua trà này đi, rẻ thôi nhưng bao bì đẹp, hộp gỗ đàn hương hẳn hoi nhé, đây cháu xem chữ mạ vàng hết này.”
Ngải Đông Đông thở dài, nó quyết định tự đi xem cho lành.
Lượn lờ mãi nó vẫn chưa nghĩ ra nên mua gì, trong tù Chu Cương muốn ăn gì cũng có nên đâu cần quà cáp của nó. Có khi nó xách túi lớn túi bé vào lại bị gã bắt cầm về cũng nên.
Nó vừa đi vừa miên man nghĩ cho đến khi tới quầy hàng gần cửa siêu thị nó thấy ở đó bày đồng hồ đeo tay với dao cạo râu.
Ngải Đông Đông chợt nghĩ hay là mua cái này?
Nó đến xem tủ đồng hồ, có đủ mức giá, cái nào đẹp thì đắt, cái nào xấu thì rẻ, suy ra là khiếu thẩm mỹ của Ngải Đông Đông rất hợp thời, cứ hễ nó thấy đẹp thì đều phải hơn một ngàn đồng. Nó thực sự nghi ngờ mấy cái đồng hồ đắt đỏ ấy chỉ trưng cho sang thôi chứ ở thị trấn bé tí này mấy ai đủ tiền mua đồ xa xỉ thế?
“Em muốn mua gì thế?” chị bán hàng nhiệt tình hỏi.
“Để em xem đã.”
Ngải Đông Đông ngắm dãy dao cạo râu trong tủ âm tường rồi chỉ một cái, bảo: “Cho em xem cái đấy.”
Nó chọn một loại máy cạo khá đắt nhưng vẫn vừa túi tiền. Chị bán hàng lấy ra đưa cho nó xem rồi bắt đầu giới thiệu: “Chị nghĩ tuổi em râu vẫn thưa nên chưa cần dùng loại này đâu, em mua loại này phù hợp hơn này.”
Nói rồi cô gái lôi ra một mẫu khác nhỏ xinh hơn.
“Không phải em dùng, em mua đi biếu ạ.” Ngải Đông Đông bảo: “Chú em râu cứng lắm, máy này cạo sạch không chị?”
“Cái này là loại tốt rồi, tuổi nào cũng dùng được, cạo sạch tốt ria mép nên em cứ yên tâm. Loại này có thể vệ sinh toàn bộ thân máy bằng nước nhé, bảo hành một năm, hiện siêu thị đang chạy chương trình em mua hàng giá trị trên ba trăm đồng sẽ có quà tặng đấy.”
“Tốt quá, thế thì em lấy cái này, chị gói hộp quà cho em nhé?”
“À gói quà thì ngại quá, siêu thị không có dịch vụ gói quà em ạ. Thật ra máy cạo râu loại này không cần gói đâu, hộp của nó trông sang lắm rồi, đây em xem…”
Cuối cùng Ngải Đông Đông trả ba trăm sáu sáu đồng mua máy cạo râu, rồi lại mua thêm một thùng sữa với một túi hoa quả nữa.
Máy cạo râu là tấm lòng của nó dành riêng cho Chu Cương, những món kia thì thấy người ta mua nên nó mua theo, nó định đem cho Khải Tử. Nó muốn thể hiện một tí để Chu Cương khỏi nghĩ nó bộp chộp chẳng biết gì.
Lên xe đi độ nửa tiếng nữa thì đến cổng trại giam, Ngải Đông Đông khệ nệ xách đồ xuống xe. Nó ngửa mặt nhìn biển trại mà thấy thân thương lạ thường, chỉ cần nghĩ lát nữa đây sẽ được gặp lại Chu Cương là nó đã háo hức muốn chết.
Có điều Ngải Đông Đông chẳng biết thủ tục vào thăm tù cụ thể thế nào, nó đành đi hỏi người bảo vệ đứng gác ngoài cổng.
Không ngờ câu trả lời của ông ta làm nó hết sức thất vọng, thì ra theo quy định của nhà nước thì chỉ người thân hoặc người giám hộ mới được quyền vào thăm phạm nhân.
“Cháu là con nuôi ạ.”
“Có giấy tờ chứng minh không?”
“Dạ?”
“Muốn vào thăm tù thì phải đem giấy tờ chứ, chứng minh thư hoặc giấy xác nhận nhân thân tạm thời này, hộ khẩu này, đăng ký tạm trú này, à phải trình cả giấy xác nhận của thôn, xã nơi cư trú nữa. Cậu đi tay không thì vào làm sao được?”
Chứng minh thư Ngải Đông Đông còn chưa có nói gì giấy tờ hầm bà lằng khác, nó có biết đâu đi thăm tù lại rắc rối như thế.
“Cháu đi đường xa vất vả lắm chú ơi…” Ngải Đông Đông mặt dày làm thân với bảo vệ: “Thôi lãnh đạo linh động cho cháu với.”
“Đi ra kia đi ra kia, đừng có làm mất trật tự trước cổng.”
Thế là Ngải Đông Đông cứ xách đống đồ trên tay lảng vảng ở cổng cả buổi mà người ta nhất quyết không cho nó vào. Trời thì lạnh, hai tay nó sắp tê cóng, nó phải để tạm túi xuống góc tường để đứng xoa tay cho ấm.
Đến tận đây rồi mà không được vào đúng là chuyện cái đầu non nớt của nó không thể lường trước, nhưng Ngải Đông Đông không cam lòng chịu thua nên nó cứ lì mặt nán lại, độ chục phút nó lại lượn ra chỗ bảo vệ để xin xỏ, thôi thì cười cầu tài rồi rưng rưng nước mắt có chiêu gì nó giở ra bằng hết.
Được cái tầm chiều chiều thì trời bắt đầu đổ tuyết, tuyết bay bay thôi nhưng rất hợp ý Ngải Đông Đông. Trời đại hàn lại còn tuyết rơi, nó cứ đứng chơ vơ ở đây mãi có khi người bảo vệ lại thương tình cho vào cũng nên.
Nhưng dè đâu người ta làm việc có nguyên tắc hơn nó tưởng, Ngải Đông Đông lèo nhèo mãi đến sẩm tối người bảo vệ cũng chỉ bảo nó: “Thôi cậu đừng cố nữa, việc này chúng tôi không quyết được đâu. Cậu đợi ở đây đến sáng mai cũng vậy thôi, tối rồi đi về đi.”
Ngải Đông Đông thất vọng ngẩng cổ lên nhìn cánh cổng to tướng của trại, nó thấy bên trong đã sáng đèn rồi. Tuyết rơi lất phất thôi mà đống đồ nó để tạm ở góc tường đã bị phủ trắng một tầng hoa tuyết.
Nó cúi xuống xách túi lên lẳng lặng bỏ đi, đi được mấy bước lại ngoái đầu nhìn, chỉ mong người bảo vệ mủi lòng gọi nó quay lại.
Nhưng đương nhiên là hy vọng hão huyền, nó đi xa lắm rồi vẫn chẳng có tiếng ai gọi lại. Tay nó tê bại không chịu nghe lời chủ nữa, nó run run đánh trượt cái túi hoa quả xuống đất, quýt với táo lăn lông lốc ra đường, đỏ đỏ hồng hồng nổi bật trên nền tuyết trắng. Nó vội cúi xuống nhặt, đang lúi húi thì có luồng ánh sáng từ đâu loang loáng hắt vào mặt nó, một chiếc xe vừa đậu lại cách nó không xa. Nó ngẩng lên rồi phải híp mắt lại cho đỡ chói, một người đàn ông bước xuống xe, hình như đang nhìn nó.
Bình luận