Chu Hòa Sưởng nói: “Trẫm biết rồi, việc này cứ để đấy đã, sau này bàn tiếp.”
Thôi Nam Hiên trầm mặc một lát, đề cập tới một chuyện khác: “Vùng Kinh Tương xưa nay vẫn bị lưu dân quấy nhiễu. Bắt đầu từ năm kia, đầu tiên là ngập lụt, sau đó lại là hạn hán, xác người chết đói chất xa ngàn dặm, lưu dân trở thành giặc cướp. Theo như thần phỏng đoán, có lẽ số lượng đã lên tới hàng trăm vạn, bọn họ ẩn núp trong núi sâu rừng rậm, không chịu lao động gì, sống bằng nghề cướp bóc, giờ đã thành họa lớn, cần sớm phái quân đội đi trấn áp, nếu không hậu họa khôn lường.”
Chu Hòa Sưởng hơi sửng sốt, Thôi Nam Hiên chưa bao giờ quan tâm tới những chuyện khác, sao hôm nay lại đề cập tới chuyện lưu dân chứ?
Nhưng hắn vẫn nói: “Trẫm biết rồi.”
Thôi Nam Hiên cúi đầu, liếc mắt về phía bình phong rồi xin phép ra ngoài.
Chu Hòa Sưởng đọc tấu chương của Thôi Nam Hiên một lượt rồi đặt sang bên cạnh.
Lúc gặp riêng những đại thần khác, hắn rất ít khi đưa ra kiến giải của bản thân, khiến cho người khác không đoán được hắn đang nghĩ gì.
Đó là do Lão Sở Vương dạy hắn, nói nhiều quá, các đại thần sẽ dễ dàng nắm được suy nghĩ của hắn.
Đương nhiên khi tiếp kiến những đại thần mà hắn tín nhiệm, hắn sẽ không đề phòng như vậy.
Phó Vân anh đi ra từ mặt sau tấm bình phong, Chu Hòa Sưởng giữ nàng lại dùng bữa, sai người dọn đồ ăn lên.
Thức ăn trong cung cũng không ngon như tưởng tượng, sủi cảo thịt dê, bánh nướng nhân váng sữa, bánh bao bát bảo, canh tam tiên [1], cá tươi hấp, vịt quay, cà tím ngâm rượu [2], chim cút hầm, canh hạt sen tươi. Nếu nói về độ tinh tế, thực ra còn chẳng bằng đồ ăn trong những bữa tiệc của các gia đình giàu có ở phương nam. Tuy trong cung có đủ thứ sơn hào hải vị được tiến cống từ các vùng khác nhưng đầu bếp của Quang Lộc Tự nào có quan tâm tới chuyện những nguyên liệu nấu ăn đó quý giá đến chừng nào, tất cả cứ cho lên bếp là xong hết, món nào cũng như món nào.
[1] Tam tiên là ba món ăn tươi. Món ăn bao gồm 3 nguyên liệu chính là hải sâm, mực, măng, ngoài ra có thể có thêm các nguyên liệu khác tùy khẩu vị như rau, nấm, hải sản khác…v…v…
[2] Cà tím ngâm rượu là món ăn nổi tiếng triều Minh, thường xuất hiện trên bàn ăn của Hoàng đế, được ghi vào sách sử nhưng vì thế nên không tìm được hình món này.
Chỉ có kẹo tơ đường và kẹo mắt hổ [3] của Điềm Thực Phòng (phòng đồ ngọt) là ngon miệng nhất.
[3] Hai món này đều làm từ đường kéo sợi rồi tạo hình. Trong đó, món kẹo mắt hổ được miêu tả là trong như hổ phách, cách làm món này là bí mật của triều đình nữa, thành ra vẫn không có hình nhé.
Chu Hòa Sưởng gượng cười, nói: “Điềm Thực Phòng là do thái giám quản lý, đồ ăn của Quang Lộc Tự không nuốt được!”
Thái giám tinh ý hơn người của Quang Lộc Tự, hơn nữa cũng biết cách hầu hạ Hoàng đế hơn. Chu Hòa Sưởng cắt giảm quyền lực của Tư Lễ Giám, chuyện nấu nướng lại càng rơi về tay Quang Lộc Tự, kết quả là thức ăn của hắn càng ngày càng chán.
Trong đó, đương nhiên không thể không có tác động của thái giám trong Tư Lễ Giám.
Chức quan trong Quang Lộc Tự đều là những vị trí béo bở, họ không chỉ cung ứng đồ ăn cho Hoàng đế mà còn phụ trách việc chọn mua rượu, thức ăn cho các đại thần trong những buổi tiệc trong cung, trà bánh, rượu dùng cho các buổi lễ.
Phó Vân anh nói: “Chi bằng tách riêng nhà bếp của Hoàng thượng ra.”
Đồ ăn của Quang Lộc Tự không thể nuốt nổi, chuyện này tất cả quan viên trong kinh đều đã được trải nghiệm.
Chu Hòa Sưởng liếc nhìn mấy món ăn mặn, đầy vẻ chán ghét, rồi lại vui vẻ ăn đồ ngọt, “Ta cũng nghĩ thế, nếu không ngày nào Quang Lộc Tự cũng lấy một đống đồ chán ngắt lên cho Trẫm ăn cho có lệ!”
…
Dùng bữa xong, trở lại Đại Lý Tự, Phó Vẫn anh vẫn cứ nhíu mày.
Bình luận