Bắt đầu vào mùa đông, cuối cùng Phó Vân anh cũng không cần vẽ lá sen hằng ngày nữa.
Nàng đã vẽ xong bức họa mà Triệu sư gia bảo nàng vẽ, thậm chí còn vẽ lại một bức nữa nhưng Triệu sư gia vẫn chưa hài lòng, nói nàng vẽ còn thiếu chút gì đó.
Nhưng mà thiếu cái gì, ông ta không nói rõ, dù sao vẫn là chưa được.
Phó Vân anh rất kiên nhẫn, Triệu sư gia không hài lòng, nàng vẫn tiếp tục vẽ lại, ngày nào cũng thế, sau khi ăn xong, nàng sẽ lại vẽ một bức lá sen, cuối cùng, nhắm mắt lại cũng có thể vẽ ra một chiếc lá sen.
Thực ra Triệu sư gia rất hài lòng với lá sen nàng vẽ, chỉ muốn nhân cơ hội này rèn luyện tính kiên nhẫn cho nàng, thấy nàng ngày nào cũng kiên trì vẽ một thứ y hệt nhau, mấy tháng như thế mà cũng không hề tức giận, cũng không kêu than buồn chán, bảo nàng vẽ cái gì thì nàng vẽ cái đó. Ông ta vô cùng hài lòng.
Ban đầu, thử nàng là thật, thấy nàng quá lãnh đạm nên muốn trêu chọc nàng cũng là thật nhưng dần dần, ông ta không còn đùa cợt nữa, thái độ ngày càng nghiêm túc, đến cuối cùng thậm chí bắt đầu hơi kính nể nàng.
Nàng dường như không mấy quan tâm mình vẽ cái gì, chỉ hưởng thụ quá trình đưa những nét bút tạo thành bức họa. Nàng không vẽ người, có khi vẽ mấy cây cỏ dại trước hành lang, có khi vẽ một chú chim nhỏ béo mập, có khi vẽ mạng nhện lúc sương tan, trên đó vẫn còn vương mấy giọt sương. Chỉ vài nét bút ít ỏi đã vẽ ra những thứ nho nhỏ bên mình, không có nhiều cách điệu, không có ý nghĩa sâu xa nhưng lại chân thật đáng yêu, đầy sức sống.
Triệu sư gia mang mấy bức tranh này tới đưa Triệu Thiện bình luận.
Sau khi xem xong, Triệu Thiện hỏi: “Đây là học sinh thúc thúc định giới thiệu cho cháu sao?”
“Đúng rồi, ngươi cảm thấy nó có thiên phú không?”
Triệu Thiện im lặng không nói, chăm chú ngắm nhìn mấy đóa hoa bìm biếc nở rộ trên dây leo bên hàng rào, nhíu mày.
Bút pháp đơn giản, tự nhiên. Vẽ hoa ra hoa, lá ra lá, nhu hòa, sống động.
một bức họa như thế, dưới con mắt văn nhân, chắc chắn không được đánh giá cao, văn nhân chỉ theo đuổi những ẩn ý dưới ngòi bút và những bức họa thể hiện được khí chất của người vẽ.
Trước khi Triệu Thiện vẫn thường vẽ những bức tiểu cảnh đồ [1] như thế, lúc ấy còn chưa lấy chồng, lúc chơi đùa, chị em trong nhà thường đố nhau vẽ tranh, mỗi ngày vẽ một bức, hoặc là vẽ hoa cỏ, hoặc là vẽ chim chóc, sau này để kiếm tiền làm đồ cưới, bà đã bán hết những bức họa của mình.
[1] Tiểu cảnh đồ là tranh phong cảnh nhưng phong cảnh nhỏ, như hoa cỏ, chim chóc, khác với đại cảnh là cảnh núi non sông nước.
“Ta biết gần đây ngươi mới nhận hai học sinh mới, một là Uyển tỷ nhi, một là cháu gái của Thôi Nam Hiên, ta đã xem tranh của hai đứa nó rồi, không bằng Vân ca nhi. Hai đứa nó vẽ thì đẹp nhưng không có gân có cốt.”
Triệu sư gia từ trước tới nay nói chuyện chẳng bao giờ rào trước đón sau, không thèm kiêng dè gì, nói thẳng ra khuyết điểm của Triệu Thúc Uyển và Ngô Cầm.
Triệu Thiện khẽ nhìn xuống, mỉm cười nhạt nhẽo, “Hai đứa nó là con gái, học vẽ tranh dù sao cũng chỉ để tăng thêm chút thế mạnh cho bản thân, có thể vẽ đẹp vậy là được rồi, gân cốt có để làm gì đâu cơ chứ?”
Phụ nữ vẽ tranh có đẹp đến mức nào đi chăng nữa cuối cùng cũng không được văn nhân công nhận.
Đây là điều Triệu Thiện đã phải mất mấy chục năm mới nghiệm ra được.
Bà giỏi vẽ tranh, cũng coi đó là kế sinh nhai, dựa vào việc bán tranh mới nuôi nấng con trai thành người, cho nó đi học, đi thi. Nhưng dẫu đám đàn ông ngoài kia có khen bà vẽ đạp đến thế nào thì cuối cùng họ vẫn cảm thấy một người phụ nữ như bà vẽ không có khí khái, chỉ để xem cho vui chứ không coi là hội họa đích thực, không thể so sánh với những họa sư hàng đầu.
Nhớ tới chuyện này, Triệu Thiện lại xuất thần một lát, ngừng lại một chút, “hiện giờ cháu chỉ nhận học sinh nữ, Phó Vân thực sự vẽ rất đẹp, nhưng cháu sẽ không làm trái quy tắc của mình. Tam thúc đành phải tìm cao nhân khác vậy.”
Triệu sư gia hơi nhíu mày, trong vài năm tới, cái tên Phó Vân anh chắc hẳn sẽ không xuất hiện trước mặt người đời. Nếu bái Triệu Thiện làm thầy ảnh hưởng tới kế hoạch của Phó Vân anh thì mất nhiều hơn được, hơn nước trước kia ông ta khuyên Phó Vân Chương để Phó Vân anh bái sư chỉ là lo Phó Vân anh sẽ giống Phó Vân Chương khi trước, tâm tư tích tụ thành bệnh mà thôi, chứ cũng chẳng phải nhất định phải tìm cho nàng một danh sư để sau này trở thành họa sư có tiếng.
“Ta hiểu rồi. Ngươi nói nó vẽ đẹp, nghĩa là nó vẽ đẹp thật. Vậy là đủ rồi!”
Triệu sư gia bước tới cuộn bức tranh lại, định ra về.
Triệu Thiện ngăn ông ta lại, “Tam thúc, cháu rất thích bức hoa bìm biếc này…”
Mắt Triệu sư gia sáng lên, giơ cuộn tranh, hào hứng nói: “Ngươi muốn bức tranh này chứ gì? Cũng được, lấy bức tranh lá sen của ngươi ra đổi với ta.”
Ông ta muốn có bức tranh lá sen kia của Triệu Thiện đã lâu, khóc lóc ăn vạ, năn nỉ ỉ ôi, lấy thân phận trưởng bối ra nài ép, cách nào cũng dùng cả nhưng Triệu Thiện vẫn không đồng ý.
Triệu Thiện do dự một lát rồi gật đầu, bảo nha hoàn đứng bên cạnh vào thư phòng lấy tranh.
Nha hoàn bưng một hộp sơn mài đựng tranh ra, Triệu sư gia nào ngờ hôm nay cô cháu họ này lại hào phóng như thế, khác hẳn thường ngày, ông ta sửng sốt, gãi đầu, “Ngươi định đổi thật hả? Ngươi vẽ một bức là mấy ngàn tiền rồi, Phó Vân vẫn chỉ là một đứa trẻ…”
Triệu Thiện tỷ nhét chiếc hộp trạm trổ vào ngực Triệu sư gia, giật lấy bức họa của Phó Vân, mặt không đổi sắc: “Cháu thích bức họa này thì là thích thôi, tiền với bạc thì quan trọng cái gì? Cháu chưa bao giờ quan tâm thân phận họa sĩ cao hay thấp, nổi danh hay không nổi danh, chỉ xem bức tranh có hợp với tâm ý của cháu hay không thôi.”
Triệu sư gia hoàn thành được ước nguyện, nâng chiếc hộp sơn mài, cười tít cả mắt, gật đầu lia lịa: “Đúng vậy, ngươi nói cái gì cũng đúng.”
…
Trở về Giang Thành thư viện, Triệu sư gia lập tức tìm Phó Vân anh, “anh tỷ nhi, lại vẽ cho thầy mấy bức họa hoa cỏ nữa nào!”
Con đường làm quan của con trai là Phạm Duy Bình suôn sẻ, về già, Triệu Thiện không cần lo chuyện tiền bạc, bình thường vẫn có niềm vui sưu tầm tranh vẽ. Triệu sư gia được lợi một lần, muốn lừa thêm mấy bức tranh nữa từ chỗ cô cháu họ trong tộc này.
Tới đường Giáp, ông ta lại chẳng thấy bóng dáng Phó Vân anh đâu.
Tô Đồng ở cùng viện, nghe thấy tiếng Triệu sư gia từ xa, đi tới trước cửa nghênh đón, “Tiên sinh, Vân ca nhi đi Trường Xuân Quan.”
Triệu sư gia khựng lại, mặt lập tức sa sầm, phất tay áo, hừ lạnh, “Lão đạo sĩ không biết điều kia! Lại cướp đệ tử của ta!”
Năm đó Phó Vân Chương suýt nữa bị Trương đạo trưởng lừa học cái gì gọi là đạo tu chân, giờ anh tỷ nhi cũng bị Trương đạo trưởng dòm ngó!
Triệu sư gia càng nghĩ càng bực mình, hùng hùng hổ hổ đi mất.
Tô Đồng cung kính tiễn Triệu sư gia, thấy ông ta đi rồi, đang định xoay người trở về phòng bỗng một thiếu niên mặc áo bào từ đầu hành lang bên kia đi tới, vỗ vai hắn, “Tô Đồng, Phó Vân quen biết cả Trương đạo trưởng ở Trường Xuân Quan ư?”
Người vừa tới là đường trưởng đường Giáp Đỗ Gia Trinh.
Tô Đồng ừm một tiếng, trả lời: “Trương đạo trưởng nói Vân ca nhi có duyên với ông ta, muốn đệ ấy mỗi tháng tới đạo quan một lần, đệ ấy có em gái, giờ đang tu đạo với Trương đạo trưởng.”
Đỗ Gia Trinh nhíu mày, “Viên thuốc hôm trước hắn đem ra dọa Chu Dụ Như chẳng lẽ là do Trương đạo trưởng cho?”
Tô Đồng mặt không đổi sắc, không trả lời.
Đỗ Gia Trinh nhìn hắn, mỉm cười, “Tô Đồng, nghe nói đệ chép sách cho tiệm sách lấy tiền. Chép sách thì có thể kiếm được bao nhiêu tiền chứ? Tốn thời gian công sức, còn lãng phí tài năng của đệ.”
Tô Đồng không nói gì.
Đỗ Gia Trinh cười, “Ta có việc này cho đệ, không biết…”
không chờ hắn nói xong, Tô Đồng đã ngắt lời hắn, “Đa ta ý tốt của Đỗ huynh, nhà ta ít người, mẹ và chị ta xưa nay tiết kiệm, chi phí sinh hoạt không đáng là bao, chép sách tuy chẳng kiếm được bao nhiêu tiền nhưng cũng đủ nhu cầu trong nhà, hơn nữa nhân tiện chép sách còn có thể ôn tập bài vở. Ta là người không giỏi giao tiếp, những việc khác ta không làm nổi, chép sách vẫn hợp với ta hơn cả.”
Nụ cười trên mặt Đỗ Gia Trinh biến mất, “Tô Đồng, ta thấy tuy đệ và Phó Vân là bà con nhưng thực ra quan hệ lại xa cách. Người Phó gia đã đuổi cả nhà đệ ra khỏi nhà, đệ còn lúc nào cũng bảo vệ cho Phó Vân, nhưng hắn dường như chẳng hề cảm kích chút nào! hắn suốt ngày giao du với đám Viên Tam, Chung Thiên Lộc, xưng huynh gọi đệ, có cái gì tốt cũng nghĩ tới bọn họ trước, trước giờ có bao giờ quan tâm tới đệ đâu…”
“Đỗ huynh, Vân ca nhi gọi ta một tiếng biểu ca, thế là đủ rồi.” Tô Đồng lãnh đạm nói.
Đỗ Gia Trinh nheo mắt.
“Đỗ huynh.” Sắc mặt Tô Đồng lạnh lẽo, từ từ nói, “Đêm đó ta không ở trong như viện nhưng trong thư viện xảy ra chuyện gì cũng nào giấu được ta. Chu Đại Lang không có chìa khóa đường Giáp, làm sao có thể đưa những người thuộc các đường khác vào đường Giáp dễ dàng như thế? Rồi làm sao có thể lừa những mọi người ra chỗ khác để lén vào viện của ta, còn khóa cửa từ bên trong. Bọn họ chỉ muốn khiến đánh Phó Vân một trận, nhưng lại có người đứng sau lưng xúi giục người khác, mong muốn không tốn công tốn sức mà vẫn có thể ngư ông đắc lợi, trên đời nào có chuyện dễ dàng như vậy?”
hắn liếc mắt nhìn Đỗ Gia Trinh đang cố làm ra vẻ bình tĩnh, nhấn mạnh từng chữ: “Nếu muốn người khác không biết, trừ phi mình không làm.”
“Những lời này của ngươi là có ý gì?”
Đỗ Gia Trinh sa sầm sắc mặt.
Tô Đồng nói: “Đỗ huynh cho là có ý gì thì chính là có ý đó.”
Đỗ Gia Trinh nhìn hắn, ánh sáng lạnh lẽo lóe lên trong mắt.
Tô Đồng nhìn lại, mặt vẫn không đổi sắc.
một lúc lâu sau, Đỗ Gia Trinh mới rít ra một câu lạnh lùng qua kẽ răng cắn chặt, “Được lắm. Tô Đồng. Được lắm!”, rồi phất áo bỏ đi.
Hoa cỏ trong đình dần tàn úa, lộ ra cành khô xanh sẫm, chọc thẳng lên bầu trời xanh. Chim nhạn bay từng đàn qua những đụn mây, dường như có thể nghe thấy tiếng vỗ cánh.
Tô Đồng đứng đó, ngắm nhìn những cánh hoa khô héo rơi xuống trước cửa sổ căn phòng phía bắc.
Ngoài hành lang treo hai chiếc đèn lồng lớn, mỗi đêm Vương Đại Lang đều treo đèn lồng, đốt nến, tiền nến mỗi tháng lên tới mấy trăm tiền. Nàng rõ ràng không sợ tối nhưng bởi Phó Vân Khải thuận miệng bịa chuyện, nàng cũng theo đó mà làm. Nàng nói nàng sợ tối, hơn nữa còn hay lạ giường, lấy cớ này để từ chối những lời mời cùng giường thắp nến tâm sự suốt đêm của đám bạn học nhiệt tình, hằng đêm vẫn đóng cửa sớm, không đi ra ngoài gặp người khác cũng không tiếp khách đến thăm.
Nàng rốt cuộc muốn làm gì? Thực sự muốn làm đàn ông cả đời hay sau? Cả ngày giao du với một đám thiếu niên choai choai, cùng ăn cùng ở, cùng ra cùng vào, sau này ai dám cưới nàng?
hắn yên lặng suy tư, bỗng nghe thấy tiếng bước chân đang rón rén tới gần, liếc qua bên đó, trên mặt hiện lên một nụ cười nhè nhẹ, “Triệu huynh.”
“Đồng ca nhi, vừa rồi đệ cãi nhau với Đỗ Gia Trinh đấy à? Sắc mặt hắn đến là đẹp, xị ra tới nơi rồi.”
Triệu Kỳ vỗ vai Tô Đồng, “Cái tên Đỗ Gia Trinh đó cái gì cũng tốt, mỗi tội lòng dạ hẹp hòi. Trong đường đã có nhiều học sinh khó chịu với hắn, cơ mà kì thi nào hắn cũng nằm trong ba người đứng đầu.”
Tô Đồng thản nhiên nói: “hắn định hại Vân ca nhi, nhưng lại không muốn bị người khác phát hiện, xúi giục Chu Dụ Như thất bại liền tới rủ rê ta.”
“Rủ rê đệ á?” Triệu Kỳ nhướng mi.
Tô Đồng không nói không rằng.
Triệu Kỳ ngừng lại một lát rồi cười nói, “nói thật, đệ với Phó gia chẳng còn quan hệ gì nữa, giờ vì Phó Vân mà đắc tội với Đỗ Gia Trinh cũng không đáng. Đỗ Gia Trinh dù sao cũng là tú tài.”
Thấy Tô Đồng nhíu mày, vẫn không lên tiếng, hắn lại tiếp, “Phó Vân nhỏ hơn cả ta và đệ, nhưng từ khi nhập học đến nay hắn quá nổi bật, hiện giờ người trong thư viện chỉ biết tới Phó Vân, đã quên béng mất chuyện đệ cũng là đồng hạng nhất từ lâu rồi. Tô Đồng, Phó Vân làm việc quá bừa bãi, sớm hay muộn cũng có ngày gặp chuyện, đệ với hắn không thân cũng chẳng quen, Phó gia còn đuổi mẹ con đệ ra khỏi huyện Hoàng Châu, đệ không trở mặt với Phó Vân và Phó Vân Khải đã là tử tế lắm rồi, vì sao còn phải lo lắng cho Phó Vân như thế?”
Triệu Kỳ tức anh ách, trước khi nhập học, hắn đã chuẩn bị kĩ càng để lợi dụng cơ hội này phát triển mạng lưới cho bản thân nhưng hắn còn chưa kịp tạo danh tiếng, Phó Vân đã nổi như cồn, cướp lấy toàn bộ lực chú ý của đám học sinh mới. Giờ học sinh trong thư viện, đặc biệt là phụ khóa sinh, suốt ngày chỉ biết nghe theo Phó Vân, còn ai nhớ rõ hắn đường đường là đại công tử Triệu gia nữa?
Vì sao à?
Tô Đồng cong môi mỉm cười, vì Phó Vân anh từ trước đến nay tuy luôn đề phòng hắn nhưng vẫn đối xử tử tế với hắn sao? Hay vì Phó Vân anh có thân thế tương tự với hắn? Hay là hắn muốn lấy lòng nhị ca ở xa tận chân trời kia?
Bản thân hắn cũng không rõ nữa.
Nếu như… Nếu như Phó Vân anh không phải họ Phó, thì thật tốt biết bao…
Nơi đáy mắt hắn bỗng lạnh lẽo, đôi môi mím lại.
anh tỷ nhi, lần thi này, ta sẽ không đồng hạng với muội.
…
Trường Xuân Quan.
Các tiểu đạo sĩ ngày qua ngày vẫn luyện quyền trên các cọc gỗ. Sau một thời gian, bước chân trên những cọc gỗ cao cao thấp thấp cũng ngày càng nhanh, chẳng khác gì giẫm trên đất bằng, động tác ưu nhã thong dong.
Phó Vân anh đứng trên hành lang ngắm họ trong chốc lát, nói: “Trương đạo trưởng, hay là con luyện đan cùng ngài vậy.”
Nàng ngày nào cũng luyện quyền, không sợ khổ, nhưng mỗi tháng chỉ có một ngày tới đạo quan, mỗi tháng giẫm cọc gỗ một ngày, luyện tới khi nào mới có thể xuất sư?
Thà luyện đan còn hơn.
Trương đạo trưởng cười ha hả, “Ta đã bảo ngươi rồi, luyện đan là tuyệt kỹ sở trường của ta đấy, người khác ta còn chẳng thèm dạy cho đâu!”
Ông ta nói, đưa mắt ra hiệu cho mấy đồ đệ bê lò luyện đan tới, đầu tiên phải dạy Phó Vân anh nhận biết dụng cụ trước đã.
“Biết vì sao trong miếu nhiều hòa thượng, ít đạo sĩ không?” Trương đạo trưởng vừa mở nắp từng lọ trong chiếc hộp lớn đựng mấy chục lọ sành ra, đưa cho Phó Vân anh ngửi mùi dược liệu, vừa lải nhải, “một phần là hòa thượng mồm miệng lưu loát, giỏi lừa gạt người khác, một phần là đám hòa thượng kia quá nghèo! Muốn làm đạo sĩ, không có tiền là không làm được, nội đạo bào chúng ta mặc, mũ chúng ta đội, còn lò luyện đan và nguyên liệu luyện đan thôi đã khiến những người bình thường không đáp ứng nổi! Vậy nên bao nhiêu đời nay, người tu đạo không sao nhiều bằng đám hòa thượng chỉ biết niệm kinh kia.”
Đạo gia cao thâm khó hiểu, ngoài ra bắt buộc phải chuẩn bị tiềm lực tài chính nhất định mới có thể gia nhập, chỉ cần hai lý do này, số người tu đạo vĩnh viễn không thể so sánh được với số những người nghiên cứu đạo Phật.
“Trương đạo trưởng, con thật sự không biết tẹo nào về luyện đan.” Phó Vân anh thành thật nói.
Trương đạo trưởng vẫn quyết đoán, “không sao, ta nói cho ngươi một bí quyết, luyện đan ấy mà, chẳng khác gì nấu mì, đem cả đống nguyên liệu ném vào trong nồi, thiếu nước thì thêm nước, thừa nước lại cho thêm mì, khuấy lên, thêm chút muối, thêm chút dấm, vậy là được rồi…”
Phó Vân anh không nói lời nào, trong lòng mắng thầm, nếu thật sự luyện đan là như thế, Trường Xuân Quan đã bị san bằng từ lâu rồi.
Trương đạo trưởng mà tháo cái vỏ bọc tiên phong đạo cốt, nhìn rõ sự đời kia xuống thì chẳng khác gì Phó tứ lão gia, thích lải nhải, khoác lác suốt cả này. Nàng lắp vẻ mặt kính cẩn, ngoan ngoãn, nghe lời, chuyên dùng trước mặt trưởng bối vào, nghiêm túc nghe Trương đạo trưởng nói linh tinh hồi lâu. Tuy rằng trong lòng nàng không mấy tán đồng nhưng từ đầu đến cuối vẫn quỳ trên đệm hương bồ, dáng ngồi ngay ngắn, khuôn mặt nghiêm túc.
“Ngươi khá hơn nhị ca ngươi nhiều, nhị ca ngươi ngồi một khắc đã vặn vẹo rồi…”
Trương đạo trưởng chỉ dẫn quá trình luyện đan một lần, thấy Phó Vân anh vẫn ngồi yên trong góc, ngoan ngoãn nhìn mình, không ngủ gà ngủ gật cũng không tỏ ra nôn nóng khó chịu, vừa lòng gật đầu.
“Có lẽ là nhị ca thấy Trương đạo trưởng luyện đan, trong lòng hâm mộ, muốn tự mình bắt tay vào làm, vậy nên ngài mới cảm thấy huynh ấy vặn vẹo đó.”
Phó Vân anh mỉm cười nói.
Trương đạo trưởng hừ một tiếng.
Lúc này, một tiểu đạo đồng cầm trường kiếm sáng loáng chạy vào chính phòng, nói to: “Sư phụ, người bên Diêu gia tới, ông ta nói Diêu đại nhân có vẻ không ổn, mời sư phụ mau qua bên đó.”
Diêu Văn Đạt ốm đau liên miên, mười ngày thì có tới bảy ngày nằm liệt giường.
Nghe nói bệnh tình ông ta nguy kịch, Phó Vân anh cũng nhấp nhổm.
Trương đạo trưởng lại không hề lo lắng, cúi xuống chỉnh lại lò luyện đan, chậm rãi nói: “Biết rồi, ta đi đây.”
…
Diêu Văn Đạt ốm đau bệnh tật, gầy trơ xương, nhiều lần thiếu chút nữa không thở nổi. Nhưng có vẻ đến Diêm Vương cũng không muốn gặp ông ta, dù đã vài lần suýt tắt thở mà không hiểu sao vẫn qua được.
Lão bộc Diêu gia cứ ba ngày lại hai lần vừa khóc lớn quan nhân không ổn rồi vừa chạy đi mời thầy thuốc, hàng xóm láng giềng xung quanh ngày nào cũng nghe ngóng tình hình của Diêu gia, chuẩn bị nếu có vấn đề gì còn sang giúp đỡ việc tang ma, chờ mãi, chờ mãi, tới khi hoa mai sau viện đã đậu nơi đầu cành, Diêu Văn Đạt vẫn sống sờ sờ.
trên đường tới Diêu gia, Trương đạo trưởng nói với Phó Vân anh, cái lão Diêu Văn Đạt này mệnh cứng lắm, còn sống thêm được mấy năm nữa.
Mấy ngày nay, Diêu Văn Đạt đã có thể xuống giường, cảm giác sức khỏe đã khá hơn, tối hôm qua ngồi đọc sách trong thư phòng tới tận đêm, lão bộc khuyên thế nào cũng không chịu nghe, tới sáng nay đã lại đầu váng mắt hoa không nhấc người lên nổi, tới cháo hầm nhừ cả một đêm cũng không nuốt vào được.
Trương đạo trưởng khai một đơn thuốc cho ông ta, “Sau này đừng cố sức, tuổi lớn rồi, nên giữ gìn sức khỏe.”
Lão bộc vâng vâng dạ dạ.
Phó Vân anh đưa mấy thỏi bạc, lão bộc cảm ơn rối rít nhưng lại từ chối không nhận, “Quý phủ vẫn thường đưa củi đưa gạo sang bên này, sao còn dám nhận bạc của thiếu gia.”
“Lão cầm đi. Trong thư nhị ca thường dặn dò ta phải chăm sóc cho Diêu ông, lão không thấy, nhị ca về sẽ mắng ta mất.”
Lão bộc chần chừ một lúc rồi nhận bạc, nghe thấy Diêu Văn Đạt dường như đang thều thào gì đó, nín thở lắng nghe, “Phó thiếu gia, lão gia muốn gặp thiếu gia.”
…
Diêu Văn Đạt lớn tuổi, sợ lạnh, trong phòng đốt chậu than, đặt dưới chân giường, xung quanh bọc cẩn thận, đề phòng lửa bốc lên làm cháy chăn đệm trên giuường.
trên giường ấm áp, Phó Vân anh ngồi bên mép giường, nửa bên mặt bị hong nóng bừng.
“Nhị ca ngươi đi đến đâu rồi?” Diêu Văn Đạt nằm trên gối hỏi nàng, sắc mặt vàng như nến, mệt mỏi uể oải.
“Nhị ca tới phủ Thuận Thiên rồi ạ.”
“Nhanh thế à… Tới rồi cũng tốt, phía bắc nhiều cướp đường, đi đường lâu, ăn ở khó khăn, còn phải lo cướp bóc, thế chẳng thà ở dưới hoàng thành, có thể quan sát việc đời…”
Hai người nói về tình hình gần đây của Phó Vân Chương một lúc. Hôm nay, tính tình Diêu Văn Đạt ôn hòa hơn hẳn mọi ngày, nói hết cái này đến cái kia, không đuổi Phó Vân anh ra ngoài.
Trương đạo trưởng đã về đạo quan, lát nữa Phó Vân anh sẽ về thư viện luôn, nhìn sắc trời bên ngoài, nàng đoán còn một lúc nữa trời mới tối, hơn nữa Diêu Văn Đạt ốm yếu, nàng chỉ có thể kiên nhẫn ngồi với ông ta nói chuyện dông dài.
Lão bộc đã châm trà thêm vài lần, lần này vào phòng lại dẫn thêm một người, “Lão gia, Thôi quan nhân tới.”
Phó Vân anh nheo mắt, không quay đầu lại, cả người cứng đờ trong chốc lát.
Thôi Nam Hiên tới trước giường bệnh, ánh mắt quét qua người nàng rồi mới nhìn Diêu Văn Đạt.
“Ngươi tới rồi.”
Diên Văn Đạt không muốn nằm nói chuyện với Thôi Nam Hiên, gắng sức chống người ngồi dậy.
Phó Vân anh vội đỡ ông ta dậy, lấy một chiếc gối đặt sau lưng để ông ta dựa vào.
Đợi Diên Văn Đạt ngồi vững, nàng chắp tay chuẩn bị lui ra ngoài.
“Vân ca nhi, ngươi đừng đi.” Diêu Văn Đạt gọi nàng lại, chỉ giá bác cổ [2], “Ngươi ra đằng sau ngồi, chút nữa ta có chuyện muốn dặn ngươi.”
[2] Giá có nhiều ngăn, đựng đồ trang chí như bình lọ. không miêu tả được nên mình sẽ đáp cái hình vào đây. Đại loại do diện tích mỗi ngăn rất lớn, trống hoác thế này nên cách cái giá cũng chẳng che được cái gì
Từ khi vào phòng, Thôi Nam hiên đã đứng bên một góc chậu than, mắt hơi nhìn xuống dưới, ánh lửa hồng hắt lên người hắn, soi rõ khuôn mặt đẹp như ngọc của hắn.
hắn không nói một lời, dường như không để ý tới Phó Vân anh.
Phó Vân anh không dám nhìn hắn lâu, theo lời Diêu Văn Đạt, đi về phía sau giá bác cổ, tìm một chiếc ghế ngồi xuống.
Hai bên chỉ được ngăn cách bằng một chiếc giá, tuy không gần lắm nhưng nàng vẫn có thể nghe rõ những lời hai người họ nói bên giường bệnh. Nàng nghĩ ngợi một hồi nhưng vẫn ngồi yên. Nếu Diêu Văn Đạt và Thôi Nam Hiên còn không thèm để ý thì có lẽ nàng cứ nghe bọn họ nói gì xem sao.
Diêu Văn Đạt ho khan mấy tiếng, ngước mắt nhìn Thôi Nam Hiên: “Ta nghe Lý Hàn Thạch nói, ngươi từ chối cưới con gái Thẩm Giới Khê nên mới bị bài xích như thế.”
Thôi Nam Hiên từ từ ngồi xuống, không phủ nhận.
Sau giá bác cổ, Phó Vân anh nhíu mày.
Thẩm Giới Khê muốn chọn Thôi Nam Hiên làm rể sao?
Con gái của Thẩm Giới Khê đều lớn tuổi hơn Thôi Nam Hiên, về tuổi thì không phù hợp… Đích nữ Thẩm gia đều đã lấy chồng… Vậy thì chỉ còn thứ nữ. Tình cảm giữa Thẩm Giới Khê và Triệu thị rất hài hòa, cơ thiếp trong phủ không nhiều nhưng thứ tử, thứ nữ lại rất nhiều, Triệu thị hiền lành rộng lượng, coi thứ tử, thứ nữ như con đẻ để nuôi dưỡng.
Nếu người Thẩm gia muốn gả cho Thôi Nam Hiên là thứ nữ thì về tuổi tác mới hợp lý được, hầu như năm nào Thẩm gia cũng có thị thiếp sinh con cho Thẩm Giới Khê, thế nào cũng có thứ nữ tầm từ mười ba mười bốn tuổi tới hai mươi tuổi, thế mới phù hợp với Thôi Nam Hiên.
“Tại sao ngươi lại thà bị bãi quan cũng không cưới con gái Thẩm Giới Khê?” Diêu Văn Đạt nhìn thẳng vào mắt Thôi Nam Hiên, trầm giọng hỏi, “Là vì Ngụy thị sao?”
Nghe thấy cách gọi quen thuộc, Phó Vân anh cúi đầu, ngây người nhìn đôi giày trên chân mình.
“Tại sao lại hỏi như vậy?”
Thôi Nam Hiên không đáp, hỏi lại một câu.
Giọng nói Diêu Văn Đạt run rẩy, “Ngày lão bà tử nhà ta còn sống rất thân thiết với Ngụy thị, bà ấy rất thích vợ ngươi. Ngày đó các vị thái thái nhà quan trong kinh đều không thèm để mắt đến lão bà tử, Ngụy thị cũng là tiểu thư thế gia nhưng chẳng hề dè bỉu xuất thân của lão bà tử, hai người họ rất hợp nhau, vợ ngươi còn dạy lão bà tử phải giao tiếp với mấy vị thái thái trong kinh ra sao nữa…”
“Trước khi lão bà tử mất còn kéo tay ta, khuyên ta phải hòa thuận với ngươi, đừng suốt ngày châm chọc ngươi nữa, bà ấy nói “tôi đi rồi, về sau ai chăm sóc cho ông? Ai hầu hạ ông? Tôi chăm sóc cho ông cả đời, giờ đi cũng không yên tâm! Ông nghe tôi nói, nhận lỗi với Thôi đại nhân đi, cô vợ nhà ấy là người tốt”…”
Thôi Nam Hiên cúi đầu, nhìn miếng than nổ lách tách trong chậu than, trầm mặc không nói.
“Thôi Nam Hiên, ta đọc sách cả đời, cũng hồ đồ cả đời. Ta là đàn ông nhưng việc trong nhà từ trong ra ngoài đều do lão bà tử lo liệu, ta chỉ lo đọc sách, chẳng phải lo lắng cái gì, việc đồng áng lão bà tử làm, ngày hai bữa cơm lão bà tử làm, quần áo lão bà tử giặt giũ khâu vá, cha mẹ ta cũng do lão bà tử hầu hạ, chăm sóc tới tận lúc lâm chung… Bà ấy sợ ta bị bạn cùng trường chê cười, nhiều năm không may quần áo mới cho bản thân, để dành tiền mua vải may áo cho ta, ta đi thi trên tỉnh phủ, bà ấy ngày ngày đi làm thuê ở nhà viên ngoại, kiếm được mấy tiền liền lập tức đi mấy chục dặm đường lên tận tỉnh phủ đưa ta mua sách… Ta nhiều tật xấu như thế này đều là do lão bà tử nuông chiều ta…”
“Ta thi đỗ Trạng Nguyên, nhà có tiền rồi, không ai có thể khinh thường ta nữa, người dưới quê tranh nhau đến vỡ đầu để lấy lòng ta, cái kẻ trước đây từng chèn ép lão bà tử già quá nên chết rồi, ta cũng phải đi đường vòng qua mộ hắn, khua chiêng gõ trống, ta xả giận cho lão bà tử, ta muốn mua cho bà ấy những trang sức đẹp nhất, trang phục lộng lẫy nhất, chúng ta một ngày sẽ được ăn ba bữa thật no, mỗi ngày đều được đổi món, không trùng lặp…”
Giọng Diêu Văn Đạt càng lúc càng cao, đôi mắt tỏa sáng lấp lánh, dường như đã trở về cái thời mới thi đỗ Trạng nguyên.
Người vợ sáu mươi mấy tuổi, đầu tóc bạc nhiều hơn tóc đen, thấy ông ta thân khoác lụa hồng, cưỡi ngựa diễu phố, vui như một cô bé mười lăm mười sáu tuổi, chạy về phía ông ta, tay không ngừng lau nước mắt.
“Tướng công, lần đầu tiên ông tới nhà tôi cầu thân, tôi đã biết ông không giống những người khác, sau này nhất định có tiền đồ!”
Ông ta cuối cùng có tiền đồ thật, nhưng lão bà tử từ khi còn trẻ đã chịu quá nhiều vất vả, đã đến lúc dầu hết đèn tắt, không chịu nổi nữa.
Thi đỗ Trạng nguyên thì sao nào?
Lão bà tử đi rồi, chỉ còn lại mình ông ta lẻ loi trên đời, không ai quan tâm ông ta ăn có ngon không, mặc có ấm không, ban đêm chẳng có ai nghe ông ta càu nhàu… Bà ấy đi rồi, ông ta làm quan có oai phong đến thế nào thì cũng có nghĩa lý gì đâu?
Diêu Văn Đạt phát ra mấy tiếng lẩm bẩm mơ hồ từ trong cổ họng, “Ta nợ lão bà tử quá nhiều, ta thường nghĩ, sớm muộn sẽ có một ngày ta đỗ đạt thành danh, bà ấy cũng sẽ được hưởng phúc… Có điều ngày đó tới quá muộn.”
Ông ta quay mặt qua, lau khô nước mắt trên khóe mắt, nhìn Thôi Nam Hiên, “Khi ngươi cưới Ngụy thị, nhà chỉ có bốn bức trường, nghèo rớt mồng tơi, Ngụy gia tuân thủ đúng hôn ước, gả con gái cho ngươi, từ ngày đó Ngụy Tuyển Liêm vẫn luôn đánh giá cao ngươi, Ngụy thị xinh đẹp, có đầu óc, biết lo liệu việc nhà… Thôi Nam Hiên, ngươi thử để tay lên ngực tự hỏi xem, lúc Ngụy gia xảy ra chuyện, ngươi thực sự không còn bất cứ biện pháp nào hay sao?”
Trong phòng im phăng phắc.
Phó Vân anh vẫn tiếp tục cúi đầu, nhìn chằm chằm chiếc giày không chớp mắt.
không biết sau bao lâu, Thôi Nam Hiên mới trả lời, “Ta không ngờ nữ quyến Ngụy gia sẽ như thế.”
Thanh âm lãnh đạm, không còn vương cảm xúc.
Nữ quyến của tội thần đều sẽ có kết cục bi thảm, cả đời không thể ngóc đầu lên được, bị người khác chà đạp. Bốn chữ “lưu lạc phong trần” nói thì dễ nhưng những chua xót phía sau ai có thể hiểu được? Đến kỹ nữ thanh lâu còn có thể chuộc thân, nữ quyến của tội thần thì cả đời không thể rửa sạch vết nhơ, thực sự không thể ngẩng đầu. Phụ nữ Ngụy gia thà chết không chịu nhục, nghe lời Nguyễn thị uống thuốc độc tự tử.
Khi ấy, người phụ trách bắt giữ không ngờ phụ nữ Ngụy gia lại cứng rắn như vậy, đầu tiên vội vàng cướp đoạt vàng bạc của cải, đến khi hắn ta phát hiện ra thì đã muộn.
Tin tức truyền vào cung, hoàng đế nổi giận lôi đình, hạ lệnh không ai được phép nhặt xác cho người Ngụy gia.
Khi ấy Thôi Nam Hiên đang ở Thiên Bộ Lang chờ lệnh.
Tuyết rơi cả đêm, tường cung màu đỏ sừng sững giữa nền tuyết trắng tinh, đỏ tới cay mắt.
hắn đứng giữa hành lang vắng lặng, nhìn lên cành cây khô trụi lá trong vườn đã bị bao phủ một lớp tuyết đọng, từ từ nhắm mắt lại, dường như có thể nghe thấy tiếng gió đập vào ngực mình.
Người Ngụy gia đều chết cả rồi.
hắn chết lặng, trong lòng có một cảm giác đau đớn châm chích, không phải do tin dữ của Ngụy gia, hắn là người lòng dạ sắt đá, chẳng thể vì sự bi thảm của Ngụy gia mà xúc động mảy may. Ngụy Tuyển Liêm đắc tội Thẩm Giới Khê, giờ Thẩm Giới Khê trả thù ông, cá lớn nuốt cá bé là lẽ tất yếu ở đời.
Ngực quặn đau là bởi hắn biết kiếp này nàng sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn nữa.
Gió Bắc rít gào, quất vào mặt người như dao nhọn đâm vào da, từng nhát từng nhát một.
hắn đứng nơi đầu gió, nhìn về hướng Đông Các, vạt áo tung bay, thầm nghĩ vậy cũng không sao, nàng là vợ hắn, nàng là con dâu Thôi gia, dù Ngụy gia có chuyện gì xảy ra, nàng vẫn phải ở bên cạnh hắn.
hắn sẽ thăng chức thật nhanh, ở địa vị thật cao, nàng cũng sẽ trở thành các lão phu nhân được người người tranh nhau lấy lòng, tới lúc đó, nàng sẽ hiểu hắn thôi.
Than trong chậu nổ giòn tan, Thôi Nam Hiên lấy lại tinh thần, nghe thấy Diêu Văn Đạt hỏi hắn, giọng run rẩy: “Lúc Ngụy thị qua đời, có phải vẫn còn hận ngươi không?”
hắn cúi xuống cầm chiếc kìm sắt, gảy gảy than trong chậu.
Có hận hắn hay không, hắn không biết, thậm chí nàng đi nơi nào hắn cũng không biết…
“Thôi Nam Hiên, kiếp này ta nợ lão bà tử quá nhiều, ngươi cũng nợ Ngụy thị… Chúng ta không phải người chồng tốt…” Diên Văn Đạt thở hắt ra, nghỉ một lát mới nói tiếp được, “Ta từng nghĩ, lão bà từ mất sớm, kiếp sau bà ấy đầu thai làm đàn ông, còn ta, ta sẽ làm phụ nữ, làm vợ bà ấy, ta sẽ bồi thường cho bà ấy thật tốt.”
“Còn ngươi? Ngươi định bồi thường cho Ngụy thị như thế nào?”
Thôi Nam Hiên ngẩng đầu, “Diêu huynh, ta không tin quỷ thần.”
Người đã chẳng còn, lấy ai để mà bồi thường?
Diêu Văn Đạt bỗng bật cười, “Ngươi quả nhiên vẫn thảnh thơi phóng khoáng [3] như thế.”
[3] Từ Diêu Văn Đạt dùng là từ “thản đãng”, không tìm được từ phù hợp hoàn toàn trong tiếng Việt, nhưng là một từ dùng rất “chất”. Từ này có trong sách Luận ngữ. “Tử viết: “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”, nghĩa là Khổng Tử nói: “Người quân tử thì thảnh thơi phóng khoáng, kẻ tiểu nhân thường hay phải lo lắng”. Mình chỉ muốn phân tích vế đầu thôi, phân tích theo tư tưởng của truyện. Người quân tử chỉ để tâm vào chí hướng và đạo, phát triển cái đức của bản thân nên không bận tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, nên không bị vướng bận vào những chuyện vẩn vơ. Câu nói của Diêu Văn Đạt tính là câu khen cũng được (vì dù sao cũng là từ dành để miêu tả người quân tử), mỉa mai cũng được. Trong bối cảnh này có lẽ Diêu Văn Đạt dùng cả hai ý. Ông này vẫn đánh giá cao chí hướng của Thôi Nam Hiên nên mới nghĩ đến chuyện lôi kéo hợp tác, nhưng cũng mỉa mai cái sự vô tình của Thôi Nam Hiên.
Ông ta mềm yếu cả đời, ích kỷ cả đời, khiến vợ mình vất vả cả đời, giờ vợ ông ta chết rồi, ông ta áy náy cũng nào thay đổi được gì.
Thôi Nam Hiên vô tình hơn ông ta nhiều, hắn cảm thấy người chết như đèn tắt, đến sự áy náy cũng không cần phải cho đi.
Diêu Văn Đạt nằm lại xuống gối, “Nếu vợ ngươi vẫn còn trên đời thì sao?”
Thôi Nam Hiên không nói.
Ánh mắt hắn sững lại, ánh lửa than bập bùng chiếu sáng không hết gương mặt hắn, một nửa chìm ở trong bóng tối, nửa mặt còn lại được phủ một bóng sáng lay động, dường như lại có chút nhu hòa.
Editor: Mấy nhân vật nam trong chương này thật đáng buồn. Tô Đồng, Diêu Văn Đạt và Thôi Nam Hiên. Nhưng thực ra là chỉ thương nhất lão Diêu, cái chuyện khua chiêng trống trước mộ người ta, trong lời người đời là chuyện cười nhưng hóa ra lại là một câu chuyện buồn. Nhưng ít ra lão Diêu vẫn còn tỉnh táo chán, về chuyện tình cảm hai người kia thật u mê. Hờ hờ. nói một cách nào đó thì lão Diêu hạnh phúc hơn rồi.
Đợt này mình edit điên cuồng vì chỗ làm vẫn chưa mở cho mình đi làm hờ hờ cơ mà sắp rồi.
Bình luận