Giao thiên cự điển thục năng can.
Phiên hối tiềm tung đảm thượng hàn.
Tất cánh thử hồ thái phân hiểu.
Thừa dư bất tị tị linh quan.
Cuối triều Minh, thủ phủ Tế Nam, tỉnh Sơn Ðông có đạo quán Chiêu Thiên. Năm Canh Thìn (1640), niên hiệu Sùng Trinh thứ 13, đạo trưởng đạo quán họ Khương, rất giỏi thuật thổ nạp.
Một hôm đầu năm, có một ông lão tới đạo quán xin gặp đạo trưởng, nói:”Bỉ nhân già rồi mà con cái thì bất hiếu, chẳng cho ở chung. Vì thế muốn tới đây xin đạo trưởng cho tạm trú một thời gian” Ðạo trưởng hỏi:”Quý danh là chi?” Ðáp:”Bỉ nhân họ Hồ, tên Khứ Tật” Ðạo trưởng thuận cho ở. Vì Khứ Tật cũng biết thuật thổ nạp nên hai người rất chóng thân nhau, rồi kết làm đạo hữu.
Ðầu năm Tân Tị (1641), vào dịp dân chúng sửa soạn lễ tế Trời Ðất, Khứ Tật bỏ đạo quán ra đi. Nửa tháng sau, khi tế lễ xong, Khứ Tật mới trở về. Ðạo trưởng lấy làm lạ, hỏi:”Cư sĩ đi đâu lâu thế?” Khứ Tật đáp:”Vì đạo trưởng vừa là ân nhân, vừa là đạo hữu nên bỉ nhân chẳng dám giấu. Thực ra, bỉ nhân chẳng phải là người mà là chồn. Hàng năm, cứ vào dịp dân chúng làm lễ tế Trời Ðất thì Thượng Ðế lại sai linh quan xuống trần tẩy uế nơi lập đàn tràng cũng như vùng phụ cận. Giống chồn bỉ nhân bị coi là giống xú uế nên phải lẩn tránh đi xa trên trăm dặm, kẻo bị linh quan bắt được thì sẽ bị đánh cho đến chết!” Ðạo trưởng nghe nói cũng chẳng quan tâm, vẫn để cho Khứ Tật cư trú. Hai năm tiếp theo cũng thế, cứ gần tới dịp tế lễ Trời Ðất là Khứ Tật lại bỏ đạo quán ra đi, nửa tháng sau mới về.
Ðầu năm Giáp Thân (1644), gần tới dịp tế lễ Trời Ðất, Khứ Tật lại bỏ đạo quán ra đi. Nửa tháng sau, chẳng thấy Khứ Tật về, đạo trưởng ngạc nhiên lắm. Ba tháng sau, vẫn chưa thấy Khứ Tật về, đạo trưởng cho là Khứ Tật đã tìm được nơi cư trú mới nên thầm trách Khứ Tật đã dời cư mà chẳng về nói với mình một lời.
Bốn tháng sau, một hôm bỗng thấy Khứ Tật về, đạo trưởng trách:”Cư sĩ đã tìm được nơi cư trú mới rồi phải không? Sao chẳng về nói với bần đạo một lời?” Khứ Tật lắc đầu, đáp:”Thưa chẳng phải thế! Khi dời đạo quán, bỉ nhân vẫn định tâm là nửa tháng sau sẽ về xin đạo trưởng tiếp tục cho cư trú. Song chẳng may lần này, bỉ nhân gặp phải một tai nạn suýt chết nên hôm nay mới về được”
Hỏi:”Tai nạn chi mà nguy hiểm thế?”
Ðáp:”Trong kỳ tế lễ vừa qua, bỉ nhân đã toan lẩn tránh đi xa như những kỳ trước, song vì lười biếng nên chỉ tìm cách tạm lẩn quanh vùng này. Khi tới khu rừng rậm cách đây hơn mười dặm về hướng tây, thấy trên bờ một suối nước trong, nằm khuất cuối nẻo rừng, có một chum vỡ, bỉ nhân bèn chui vào chum để tạm lẩn trong nửa tháng. Nào ngờ đúng vào ngày tế lễ, linh quan sục sạo tới cuối nẻo rừng, khám phá ra việc bỉ nhân lẩn tránh trong chum, liền cầm roi xông vào đánh. Kinh hãi quá, bỉ nhân vội bỏ chạy thục mạng!”
Hỏi:”Cư sĩ chạy tới đâu?”
Ðáp: “Thưa, tới tận bờ sông Hoàng Hà!”
Hỏi:”Linh quan có đuổi theo không?”
Ðáp:”Thưa có! Linh quan đuổi theo rất gấp. Khi ngoái cổ nhìn, thấy linh quan đã tới sát sau lưng, bỉ nhân quẫn quá, đành phải chui vào một cầu tiêu bên sông. Sợ mùi xú uế, linh quan chẳng dám vào, chỉ đứng chờ ở bên ngoài, song bỉ nhân quyết tâm nằm lỳ trong cầu tiêu, chẳng chịu ra. Lát sau, vì không chịu nổi mùi xú uế, linh quan đành bỏ đi!”
Hỏi:”Linh quan đi rồi, sao cư sĩ chẳng về đây ngay?”
Ðáp:”Vì bỉ nhân bị mùi xú uế trong cầu tiêu nhiễm vào thân thể nên chẳng dám về, phải chui vào hang đá gần sông tạm trú. Suốt bốn tháng qua, ngày nào bỉ nhân cũng phải nhảy xuống sông tắm gội song chẳng sao gột sạch được mùi xú uế. Sau hơn trăm ngày, mùi xú uế mới bắt đầu phai! Chỉ một ly nữa là bỉ nhân chẳng còn được nhìn thấy đạo trưởng!”
Hỏi:”Bây giờ cư sĩ lại về đây cư trú phải không?”
Ðáp:”Thưa không! Hôm nay bỉ nhân về đây để xin cám ơn đạo trưởng đã cho cư trú trong bốn năm qua và tiện thể xin đạo trưởng cho phép được dời khỏi đạo quán!”
Hỏi:”Cư sĩ định đi đâu?”
Ðáp: “Bỉ nhân định trở về hang cũ núi xưa”
Hỏi: “Cư sĩ có cần bần đạo giúp đỡ điều gì không?”
Ðáp:”Thưa không! Bỉ nhân chỉ muốn thưa với đạo trưởng một việc quan trọng!”
Hỏi:”Việc chi mà quan trọng thế?
” Ðáp:”Việc Trung quốc ta sắp bị biến loạn!”
Hỏi:”Sao cư sĩ biết?”
Ðáp:”Cơ trời chẳng thể tiết lậu, mong đạo trưởng hiểu cho!”
Hỏi:”Thế chốn này có việc chi không?”
Gật đầu, đáp:”Thưa có! Chốn này nguy hiểm lắm! Là hung địa chứ chẳng phải là phúc địa! Ðạo trưởng nên dời ngay đi nơi khác thì hơn!” Rồi xin cáo biệt. Ðạo trưởng nghe lời, bèn bỏ đạo quán mà đi, chẳng ai biết là đi đâu.
Mấy tháng sau, quả nhiên biến cố Giáp Thân (1644) xảy ra. Trung quốc bị biến loạn. Nhà Minh mất ngôi với nhà Thanh. Trong cơn binh lửa, đạo quán Chiêu Thiên bị san thành bình địa.
Bình luận