Lưu Xích Thủy người Bình Lạc, thuở trẻ vừa thông minh vừa đẹp trai, mười lăm tuổi đã vào học trường huyện (theo chế độ khoa cử thời ấy, vào trường học huyện là có trình độ tú tài). Cha mẹ mất sớm, anh ta mãi mê chơi bời, bỏ học. Gia cảnh cũng chẳng có gì mà tính lại thích chải chuốt chưng diện, giường chiếu, chăn đệm nhất nhất đều là những của tốt đẹp, tinh xảo.
Một tối, Lưu được người ta kéo đi ăn uống, vội quên tắt đèn. Rượu được vài tuần, sực nhớ ra, anh ta quay về nhà, chợt nghe trong buồng mình có tiếng rì rầm. Lưu nấp dòm xem, té ra một chàng trai đang ôm cô gái đang nằm trong giường. Căn nhà nhà vốn là phủ đệ của một nhà quyền quý đã bỏ phế, thường xảy ra nhiều quái dị. Anh ta biết đôi trai gái kia là hồ ly tinh nhưng cũng không sợ, xông vào quát lên:
– Giường ta nằm để bay đú đởn hả?
Hai bóng người hoảng hốt vùng dậy, ôm áo, trần như nhộng chạy trốn. Trên giường còn xót lại cái quần lụa tía, trên dải còn đính cái bao kim, song đề phòng bị lấy trộm, liền dấu vào trong chăn ôm khư khư lấy.
Chỉ lát sau, một con hầu đầu tóc rối bời, len lén bước vào phòng, nằn nì xin Lưu trả lại của ấy. Lưu cười, đòi phải có cái gì chuộc. xin chuộc bằng rượu: không ưng. Bằng vàng: cũng không ưng. Con hầu dường như bắt được ý quay ra. Lát sau trở lại:
– Cô cả tôi bảo: Nếu cậu bằng lòng cho lại thì xin hiến cậu vợ đẹp.
Lưu vội hỏi:
– Ai thế?
– Nhà chủ tôi họ Bì. Cô cả là Bát Tiên. Cái người nằm với cô cả tôi đây là chồng cô, họ Hồ. Cô hai là Thủy Tiên, lấy quan nhân họ Đinh ở Phú Xuyên. Cô ba là Phượng Tiên, so với hai cô còn đẹp hơn nhiều, thực không chê vào đâu được. Đáng lắm!
Lưu sợ nuốt lời, đòi phải giao ước rõ ràng ngay. Con hầu quay về khá lâu, trở lại trả lời:
– Cô cả tôi nhắn với cậu: việc đại sự tốt lành đâu có phải vội vã được. Cô tôi vừa nói với cô Ba, đang bị cự lại. Xin nấn ná đợi cho ngày một ngày hai. Nhà chúng tôi không phải là loài chỉ cốt hứa cho xong việc mà coi nhẹ chữ tín đâu.
Lưu nghe vậy cũng tin liền trao lại cái quần tía. Đã qua mấy ngày rồi mà vẫn chưa thấy hồi âm. Sẩm tối Lưu ra ngoài trở về, vừa đóng cửa sổ ngồi chơi, bỗng hai cánh cửa tự mở toang ra: hai người, bốn tay túm bốn góc chăn, khiêng một cô gái nằm thu lu ở giữa. Họ đặt tất cả lên giường nói:
– Chúng tôi đưa cô dâu tới đây!
Đoạn quay trở ra ngay.
Lưu lại gần ngó xem: một cô gái nõn nà đang ngủ mê ngủ man miệng sặc mùi rượu, mặt ửng màu say. Còn ước gì hơn nữa, chàng ta cầm lấy tay, rút bít tất, cởi giải quần và ôm lấy cô ta. Mà cô gái thì đã hơi tỉnh, hé mắt nhìn thấy Lưu chân tay như bủn rủn ra, song vẫn có vẻ hận, lẩm bẩm:
– Cái con đĩ Bát Tiên, nó bán rẻ ta thế này!
Lưu ôm ấp vuốt ve cô gái. Cô ta ngán thịt da hở lạnh, mỉm cười đọc:
Đêm nay là đêm gì đây?
Gặp chàng mê mải thế này chàng ơi!
Lưu tiếp:
Nàng ơi! Nàng ơi! Nàng ơi!
Gặp ta mát mẻ sự đời thế nao? (1)
Vào cuộc giao hoan rồi, nàng còn ca cẩm:
– Cái con vô sỉ đã làm bẩn giường người, lại còn đem ta đổi lấy cái quần. Được rồi! Thế nào cũng phải báo thù.
Từ đó tối nào cô ta cũng đến chăn gối với Lưu, thật là đằm thắm. Một hôm cô ta lấy trong tay áo ra một cái xuyến vàng, bảo Lưu:
– Của Bát Tiên đấy!
Mấy hôm sau lại đem đến một đôi giày thêu vàng, dát hạt châu cực kỳ tinh xảo, nhủ Lưu cứ đưa ra khoe vung lên khắp bạn bè thân thích (như một chứng cứ người chủ giày đã có tư tình với mình). Những người đến xem đều mang rượu làm lễ tiếp kiến, do đó vật lạ cứ truyền tụng rộng mãi.
Tối đó, bỗng Phượng Tiên đến từ biệt. Lưu hỏi lý do. Đáp:
– Bà chị vì việc mấy giày mà giận em cho nên có ý địch dọn nhà đi xa để cách chia em cho tiện.
Lưu hoảng, có ý muốn trả lại giày. Cô gái can:
-Việc gì phải thế? Chị ta làm vậy hòng uy hiếp em. Trả lại là trúng mưu đồ đấy.
– Sao em không thể ở lại một mình?
– Cha mẹ em đi xa, nhà hơn mười miệng ăn đều trông cậy vào một tay anh Hồ xoay vật. Nếu em không đi e đầu lưỡi không xương đớm đặt trắng đen nhiều chuyện.
Từ đó cô ta không đến nữa. Hai năm trôi qua, nỗi tưởng nhớ trong Lưu ngày càng da diết. Tình cờ hôm ấy trên đường Lưu gặp một cô gái cưỡi ngựa có lão bộc giong cương, len sát vào người Lưu mà đi. Cô gái lật cái khăn lụa che mặt mà liếc nhìn Lưu, phong tư đẹp vô ngần. Lát sau một anh chàng trai trẻ đi cùng cô ta cũng vừa đến. Lưu bắt chuyện:
– Cô nào thế? Có vẻ đẹp đấy!
Lưu còn khen nức nở hồi lâu. Chàng trai chắp tay khiêm tốn cười:
– Anh khen quá đấy! Đó là người vợ hèn của tôi đó.
Lưu giật mình ngượng ngùng tạ lỗi. Chàng trai ôn tồn.
Không hề gì. Song Nam Dương có ba ông Cát thì anh chiếm được “rồng” rồi (2). Cứ bo bo giữ lấy một mình thì còn đáng nói gì nữa.
Lưu đã ngờ ngợ về điều anh chàng ấy mới nói. Anh lại nói tiếp:
– Anh có nhận ra kẻ nằm vụng ở giường anh độ nào không?
Lúc ấy Lưu mới biết đó là anh chàng họ Hồ, anh em đồn hao với mình. Thế là hai người trò chuyện, đùa cỡt rất vui. Hồ lại hỏi Lưu:
– Tôi đi thăm nhạc gia đây, chú có cùng đi được không?
Lưu được lời như cởi tấm lòng, theo ngay chàng ta đến vùng Vinh Sơn- trên núi trước đây có người tỵ nạn đến ở. Cô gái xuống ngựa vào trong nhà. Lát sau có mấy người ta nghiêng ngóng trông chừng, vào báo:
– Cả Lưu quan nhân cũng đến!
Khi vào chào hỏi ông bà nhạc, Lưu thấy ở đó có một chàng trẻ tuổi mặt áo bào, đi giày cao cổ bốt lóng loáng. Ông giới thiệu:
-Đây là anh rể họ Đinh ở Phú Xuyên.
Hai người vái chào nhau, an vị. Lát sau cỗ bàn bày ra ngổn ngang, mọi người nói cười hồ hởi. Ông cụ đề xướng:
– Hôm nay cả ba chàng rể cùng đến, có thể gọi là cuộc tụ hội đẹp đẽ. Không có ai là khách lạ, có thể gọi cả bọn con gái ra đây, mở một đại hội đoàn viên.
Lát sau cả ba chị em cùng ra. Ông xếp đặt chỗ ngồi, vợ nào cạnh chồng ấy. Bát tiên trông thấy Lưu cứ che miệng cười khúc khích. Phượng tiên cũng theo đà mà giễu cợt. Chỉ có Thủy Tiên là ra vẻ trầm ngâm, khắc khổ, mọi người cười nói hể hả, cô ta chỉ mủm mỉm. Rượu vào không khí vui mỗi lúc một bốc, giày dép lẫn lộn lung tung, mùi hương bay lan xạ tỏa ra sực nức.
Trên đầu giưòng đã thấy bày sẵn các loại nhạc cụ. Lưu rút ra cây sáo ngọc xin thổi chúc thọ ông nhạc. Ông cụ ra lệnh, ai chơi được thì cứ cầm lấy thứ ấy. Thế là mọi người tranh nhau chọn, chỉ trừ Đinh và Phượng Tiên. Bát Tiên bảo Phượng:
– Chú Đinh không sành thì còn được, chứ mày sao lại không động ngón tay?
Rồi nhặt cái phách ném vào lòng Phượng. Tiếng tơ tiếng trúc đan nhau nổi lên. Ông cụ vui bụng lắm, nói:
– Tài nhạc người nhà ta tuyệt lắm! Bọn các con đều biết múa hát, ai có ngón gì sao không trổ hết ra?
Bát Tiên đứng luôn dậy bảo:
– Xưa nay Phượng Tiên vẫn là giọng vàng tiếng ngọc, không dám để vất vả đến cô ấy. Còn hai chị em ta có thể cùng ca khúc Lạc Phi. (nữ thần sông Lạc)
Hai chị em cùng múa hát xong, con hầu bưng ra một mâm hoa quả lạ, không ai biết thứ gì. Ông cụ cho biết:
-Đây là quả “Điền Bà La” (không biết quả gì, âm từ Hán- Việt) đem từ Chân Lạp sang.
Rồi cụ cầm luôn mấy quả đặt trước mặt Đinh. Phượng Tiên thấy thế có vẻ không vui:
– Đối với con rể sao cha lại có thể phân ra giàu nghèo mà yêu ghét?
Ông cụ chưa kịp nói thì Bát Tiên đã vội phân bua hộ:
– Đây là chú Đinh ở huyện khác, cha coi là khách nên mới xử sự thế. Còn nếu bàn về ngôi thứ cao thấp ấy mà, đâu phải chỉ có em Phượng mới có chồn nghèo khó chai tay.
Phượng Tiên cuối cùng vẫn không vui. Nàng cởi áo hoa, trao trống phách cho con hầu rồi cất gịọng hát một đoạn khúc “Phá dao” (3). Vừa hát nước mắt vừa ứa xuống. Hát hết đoạn, phát tay áo đi ra. Bài hát và cử chỉ ấy làm cả nhà mất vui. Bát Tiên nói:
– Cái con ấy vẫn còn hay hờn dỗi như trẻ con.
Đoạn đuổi theo song không biết cô ta đã đi đâu mất. Lưu tái mặt cũng từ tạ ra về. Đến nửa đường thấy Phượng Tiên đang ngồi bên vệ đường. Nàng cất tiếng gọi chàng đến ngồi bên cạcnh mà bảo:
– Một trang nam tử như anh mà không thể giúp cho người đầu ấp tay gối nguôi hận được sao? “Tự trong sách đã có nhà vàng” (4) xin anh làm được như người ấy. Rồi giơ chân lên bảo Lưu:
– Em ra khỏi nhà vội quá, gai đâm nát cả giày rồi. Đôi giày thêu em đưa cho anh ngày trước ấy, anh có mang bên mình không?
Lưu vội lấy ra đưa cho nàng thay rồi xin lại đôi rách. Nàng mủm mỉm:
– Cái anh này chẳng được tích sự gì! Dễ thường cả những đồ dùng khi chăn gối anh cũng lưu làm kỷ niệm chắc? Thôi, nếu anh có nhớ em, xin tặng một thứ này.
Nàng trao cho Lưu một tấm gương và dặn:
– Muốn thấy mặt em thì phải đang lúc đèn sách bài vở. Nếu không đừng hòng bao giờ em đến!
Nói đoạn đã không thấy nàng đâu nữa.
Lưu ủ ê trở về. Giơ gương ra thấy bóng Phượng Tiên đứng quay lưng lại, cứ như người đi đường ở ngoài tầm trăm bước. Nhớ đến lời dặn của nàng, Lưu buông rèm tạ khách, một mình chăm chỉ học hành. Hôm khác đem gương ra coi: nàng đã quay mặt trở ra môi mấp máy như muốn cười. Lưu càng yêu quý tấm gương, lúc vắng không có ai lại lấy gương ra đối mặt với nàng cho đỡ nhớ. Được hơn một tháng, ý chí dần suy giảm, chàng ta lại bỏ đi chơi hoài, trở về giở gương ra xem, nét mặt nàng bỗng trở nên ảm đạm như muốn khóc. Hôm sau xem lại, bóng đứng quay lưng như trước. Lúc ấy mới hiểu, đó là bóng nàng không bằng lòng với việc chàng trễ biếng. Từ đó chàng đóng cửa nghiền ngẫm kinh sử, ngày đêm miệt mài. Qua hơn một tháng, bóng quay mặt lại. Từ đấy nghiệm thấy: hễ chàng lơ là đèn sách thì bóng buồn, học hành chăm chỉ thì bóng cười vui. Thế là chàng treo hẳn gương trước mặt, coi như là một thầy giáo phụ vậy. Cứ thế hai năm, chàng đi thi đỗ luôn. Chàng mừng quá nghĩ bụng:
– Phen này có thể giáp mặt Phượn Tiên của ta rồi.
Đem gương ra coi: nét ngài cong cong, răng ngà hé lộ, dáng mừng rỡ, khuôn mặt yêu thương hiển hiện trước mắt. Tưởng nhớ đến cồn cào, chàng cứ chăm chăm nhìn không chớp mắt. Thốt nhiên người trong gương nhoẻn miệng cười lên tiếng:
– Bây giờ mới đúng là: người yêu trong trnh, tình nhân rõi bóng. Lưu giật mình mừng rỡ, nhìn khắp bốn bề thì Phượng Tiên đẽ đứng sau. Chàng nắm tay hỏi thăm tin tức ông bà nhạc. Nàng đáp:
– Từ buỗi chia tay ấy, em chưa từng về nhà mà cứ nương náu chốn hang động núi non những mong cùng chàng chia sẻ nỗi vất vả.
Lưu đi dự yến mừng ở quận, cô gái xin được đi theo, lúc hai người ngồi xe mà không ai thấy mặt nàng. Lúc sắp về, nàng bàn riêng với Lưu giả như làm lễ cưới ở quận. Đến khi trở về nhà nàng mới ra tiếp khách; chăm sóc việc nhà. Ai nấy cũng kinh ngạc về sắc đẹp tuyệt thế mà tuyệt nhiên không một ai biết nàng là hồ ly.
Lưu ra làm việc quan dưới quyền quan lệnh Phú xuyên cho nên phải đến yết kiến. Chàng gặp lại Đinh, được anh ta mời về nhà khoản đãi rất trọng hậu rồi bảo Lưu:
– Gần đây ông nhạc chuyển đi nơi khác. Nhà tôi đi thăm cũng sắp trở về. Ta nên gửi thư báo để họ cùng đến chúc mừng chú.
Lúc đầu, Lưu tưởng Đinh cũng là hồ, khi hỏi thăm kỹ họ hàng quên quán mới biết anh là một nhà buôn bán lớn ở Phú Xuyên. Nguyên trước đây, Đinh từ một hiệu sách trở về nhà, gặp Thủy Tiên đi một mình, thấy cô ta đẹp mới đưa mắt liếc nhìn. Cô ta xin ghé đi nhờ ngựa. Đinh vui lòng cho đi và chở luôn về nhà học cùng ăn cùng ở. Cô ta có thể lách qua khe chấn song mà vào, lúc ấy Đinh mới biết là hồ ly. Cô ta bảo:
– Chàng chớ nghi ngại. Em thấy chàng là người thành thực rất mực cho nên em tình nguyện gửi mình nương tựa.
Đinh yêu cô ta, không lấy ai nữa.
Lại nói về Lưu về đến quê, mượn một ngôi nhà rộng của nơi quyền quý, thu xếp đủ chỗ cho khách ăn nghỉ. Cửa nhà đã quét dọn sửa sang sạch sẽ, song Lưu còn loay hoay về việc tiệc tùng trần thiết. Qua một đêm, sáng ra đã thấy nhà cửa được trang hoàng bày tiệc lộng lẫy. Mấy ngày sau, quả có đoàn người hơn ba mươi người, trương cờ, khiêng rượu chè lễ vật đến, xe ngựa ngổn ngang đậu đầy đường ngõ. Lưu vái chào ông nhạc và hai ông anh đồng hao Đinh và Hồ, dẫn họ và nhà khách. Phượng Tiên đón mẹ và hai chị gái vào nhà trong.
Bát Tiên mào đầu:
– Thôi nhé! Con bé này đã lên bà rồi, đừng oán mụ mối nữa đấy. Xuyến với giày của tao còng không?
Phượng lục ra đưa lại, trả miếng:
– Giày thì vẫn còn đây, nhưng hàng nghìn con mắt đã ngắm nhìn nhão ra rồi.
Bát Tiên cầm giày đập vào lưng Phượng:
– Chị đánh mày để gửi truyền cho chú Lưu đấy, nghe chưa?
Rồi ném giày ra cửa mà chúc rằng:
Lúc mát như hoa nở
Khi cũ tựa hoa tàn
Trân trọng chưa dùng đến
Hằng Nga đã mượn luôn.
Thủy Tiên cũng chúc thay:
Đã từng luồn chân ngọc
Bước ra muôn người khen
Nếu để Hằng Nga mượn
Hẳn thương anh trò hèn.
Phượng Tiên cời tro đọc tiếp:
Đêm đêm lên trời biếc
Một sớm tìm chốn vui
Lưu lại bóng nho nhỏ
Để khắp thế gian coi.
Rồi vun tro vào giữa mâm, cao đến vài đốt tay. Trông thấy Lưu, nàng bưng tặng: hóa ra đầy một mâm giày thêu, hệt như đôi giày trước đây. Bát tiên vội bước ra hắt mâm đổ xuống đất, chỉ còn lại vài chiếc nguyên. Nàng phục xuống đất mà thổi, lúc ấy giày mới tan biến, không còn dấu tích gì.
Mâý ngày sau, lấy cớ đường xa, hao vợ chồng Đinh về trước. Bát Tiên còn ham đùa giỡn với em gái, ông cụ và chồng phải thúc giục mấy lần, đến đúng ngọ nàng mới cùng mọi người ra về.
Lúc họ mới kéo đến, linh đình rầm rộ quá, người theo coi đông như chợ. Có hai tên cướp trông thấy Bát Tiên và Thủy Tiên đẹp quá, say chết mê chết mệt. Chúng âm mưu đón đường để cướp. Khi đó thấy họ về, chúng đuổi theo. Cách nhau độ tầm tên thì xe họ chạy cực nhanh, chúng không theo kịp. Đến một chỗ hai bên vách đá giáp đường, xe đi hơi chậm, lúc ấy chúng mới đuổi kịp, huơ đao mà hò hét hâm dọa. Mọi người tùy tùng đều bỏ chạy cả. Một tên cướp xuống ngựa mở rèm, trong xe chỉ có một bà già. Đang ngờ là nhắm nhầm bà mẹ, vừa định quay hướng khác liền bị dáo chém vào cánh tay phải và bị trói ngay tại chỗ. Nó định thần lại thì chung quanh không phải là núi, mà là cổng thành Bình Lạc. Bà mẹ ngồi trong xe chính là mẹ Lý tiến sĩ từ quê ra. Tên cướp đi sau cũng bị chặt chân ngựa và bắt trói vào cổng thành. Ông Lý bắt nộp quan Thái thú. Tra hỏi thì ra chính tên vừa bị bắt là một tên đại bợm đang bị truy nã.
Lại nói về Lưu. Mùa xuân năm sau chàng thi hội đỗ luôn tiến sĩ. Phượng Tiên thấy việc vừa xảy ra cũng lo không khéo rước lấy tai vạ cho nên hết lời từ tạ xin thân bằng cố hữu khỏi đến mừng. Lưu cũng không lấy vợ khác. Chỉ đến khi làm quan thị lang thì mới mua thiếp, đẻ được hai con trai.
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Than ôi! Thói đời sớm nắng chiều mưa, tiên hay trần cũng không khác nhau mấy. “Trẻ không gắng sức, già hối chẳng kịp”, tiếc rằng không có giai nhân hiếu thắng làm bóng trong gương để mà vui mà buồn vậy! Tôi mong có được hằng hà sa số bậc tiên sai con gái xuống lấy người trần thế thì cái bể bần cùng sẽ bớt những chúng sinh khổ sở. ( hàm ý nói về cảnh học trò)
(1) Nguyên văn mấy câu này trong Kinh Thi? “Kim tịch hà tịch, kiến thử lương nhân? Tử hồ tử hề, kiến thủ lương nhân hà? (Đêm nay là đêm gì mà ta gặp chàng đây? Nàng ơi, nàng ơi! Như vậy thì chúng ta thế nào). Trong truyện, tác giả để cho nhân vật dùng lối chơi chữ: “chữ “lương” trong “lương nhân” nguyên là “người lành” “chàng- vợ gọi là chồng” thành “lương” là “mát” do sự lạnh da thịt vì hở.
(2) Thời Tam Quốc ở Nam Dương có ba anh em Gia Cát Cẩn, Gia Cát đàn và Gia Cát Lượng (tục gọi là tam Cát) làm quan phò tá ba nước Ngụy, Thục và Ngô. Vì Gia Cát Lượng ở Thục là người có tài năng nhất cho nên người đương thời bảo “nước Thục được rồng”
Ở đây muốn ẩn dụ: Lưu được Phượng Tiên là cô đẹp nhất trong ba chị em.
(3)khúc Phá dao: Nói đầy đủ là khúc: “Lã Mông Chính phong tuyết phá dao lý” (bài ký Lã Mông Chính ở nhà hang trong cảnh gió tuyết) tức là Vương Thực Phủ thời Nguyên. Lã Mông Chính người đời Tống, thuở bé bị cha hắt hủi đuổi đi phải vào ở trong cái nhà hang đào trong núi, vô cùng cực khổ, sau làm quan đến tể tướng.
Hát khúc này Phượng Tiên có dụng ý cảm thán cho cảnh riêng vợ chồng mình.
(4) Nguyên văn là câu thơ cổ “Thư trung tự hữu hoàng kim ốc” ý nói học trò giỏi tất được giàu sang.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch.
Bình luận